Giải quyết triệt để nạn gian lận thương mại
Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường đã khó thì trên các sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều gian nan hơn. Ông Phan Mạnh Hà, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee chia sẻ, hệ thống của sàn thực hiện việc kiểm duyệt dựa theo từ khóa, quét hình ảnh nên có nhà bán hàng sử dụng chiêu trò để qua mặt hệ thống kiểm duyệt bằng cách đăng sản phẩm vi phạm rồi làm mờ nhãn hiệu, chèn ký tự vào phần hình ảnh để che giấu yếu tố nhãn hiệu hoặc sử dụng các từ khóa biến thể để hệ thống hay nhân viên kiểm duyệt khó khăn trong việc nhận diện và phát hiện vi phạm; hay giao sản phẩm khác, hàng kém chất lượng so với nội dung đăng bán.
Đặc biệt, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh lại là sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều và khó kiểm soát. Cùng với đó, thực tế là người dân, doanh nghiệp hiện còn chưa ý thức đầy đủ trong việc cảnh giác với thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
"Hoạt động thương mại bất hợp pháp, trái với quy định pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng không ít tới sự phát triển của nền kinh tế, môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới sức khoẻ, kinh tế của người tiêu dùng", đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định.
Để giải quyết dứt điểm vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả có tổ chức. Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề; xác định địa bàn “nóng” như đầu mối giao thông, tuyến quốc lộ, chợ đầu mối, kho tập kết hàng hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng có nhu cầu lớn dịp cuối năm; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, điều tra.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp là chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất từ vấn nạn này cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để tự bảo vệ mình; báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường; chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh, triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần góp sức bằng cách “nói không” với hàng giả, hàng lậu; phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhất là trên môi trường mạng, giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định liên quan của pháp luật hiện hành; tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nếu bị người tiêu dùng tẩy chay, hàng lậu, hàng giả sẽ không còn “đất sống”.