Giải tỏa nỗi lo tăng giá trước những biến số mới
TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ước sẽ tăng nhẹ so với tháng trước [Infographic] Chỉ số CPI tháng 5/2024 |
Những biến số cần cẩn trọng
Song TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tăng lương có tác động đến tăng giá nhưng không quá nhiều, và mức lạm phát hợp lý khoảng 4%/năm là chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thường thấp hơn so với khu vực tư nhân. Theo tính toán, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%,
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn. Chúng ta cần quan tâm tới danh mục chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bao gồm 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu với 752 mặt hàng; kiểm soát những biến số tác động đến giá cả, lạm phát.
Những biến số từng được lo ngại sẽ tác động nhiều đến lạm phát là giá xăng, dầu lại đang diễn ra khá ổn định, nằm trong kịch bản điều hành. Song những biến số mới như chi phí giáo dục, y tế lại đang khiến các nhà quản lý “đau đầu”. Ví dụ với chi phí giáo dục, CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ 2023, trong đó giáo dục có mức tăng cao nhất tăng 8,15%; trước đó, trong tháng 5/2024, giáo dục cũng là một trong 10 nhóm hàng tiêu dùng tăng giá cao nhất 8,14%, qua đó làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân là trong năm học 2023-2024, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Chỉ số lạm phát 6 tháng 2024 được đánh giá không đáng lo ngại |
Tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Độ nhận định, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Trong quý III/2024, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo.
Nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cần có giải pháp phù hợp để ổn định giá để không dẫn đến tình trạng thiết lập một mặt bằng giá mới. Đối với Nhà nước; cần xây dựng nguồn dự trữ hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu; quản lý chi phí khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, giá điện…ổn định, bền vững; doanh nghiệp cần tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh cùng với cải thiện chất lượng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ sẽ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu với Chính phủ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai quá trình thị trường hóa như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng; đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ là 4,0-4,5%; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.