Giảm lãi suất cần cộng hưởng chính sách kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng
Giảm lãi suất - Chính sách hỗ trợ thiết thực Giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế
|
Thêm động lực các ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều NHTW điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được đảm bảo. Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành tạo tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Động thái hạ lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, đây là mức giảm lãi suất tương đối phù hợp ở giai đoạn này. Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại còn cao, nhưng với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành thì tương lai gần trong vòng vài tháng nữa lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
Ở góc độ ngân hàng, ông Hồ Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc ACB cho hay, chủ trương của NHNN là khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay, nhưng giảm ở mức độ nào còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng.
“Kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, song việc giảm lãi suất còn tùy thuộc giá vốn đầu vào, tùy thuộc mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Mặc dù vậy, về xu hướng, theo tôi, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm”, ông Hồ Tấn Tài nhận định.
Thực tế, dù tín dụng tăng chậm, nhưng lãi vay khó nhanh giảm vì nhiều lý do. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 ngàn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao. Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.
Chưa kể, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các NHTW lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt CSTT và duy trì lãi suất ở mức cao. Xu hướng tăng lãi suất trên thế giới có thể chưa dừng lại. Nhiều khả năng, quyết định giảm lãi suất sẽ được NHNN đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái cụ thể trong phiên họp vào tháng 6 tới.
Áp lực lạm phát trong nước (lạm phát bình quân 4 tháng năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%). Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên TCTD khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của TCTD ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành ngày 23/4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn tức là TCTD chưa thu nợ khi đến hạn trong khi TCTD vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số NHTM quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Lãi suất chỉ là yếu tố cần
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ ba này thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên, theo TS. Huân, giảm lãi suất chỉ là yếu tố cần, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả phải có nhiều giải pháp đồng bộ. "Cầu nền kinh tế đang yếu, doanh nghiệp không thấy cơ hội kinh doanh, cho dù giảm lãi suất doanh nghiệp cũng không vay để làm gì. Nên kích cầu tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mà để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công chứ giờ sức khỏe khu vực tư nhân suy giảm mạnh", TS. Huân lý giải nhận định.
Chung quan điểm, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định và cho biết thêm, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.
"Chúng tôi kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn", ACBS nhận định.
Cuối cùng, nhóm phân tích nhận định Chính phủ dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, đây cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Động thái giảm lãi suất liên tục thể hiện quyết tâm của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. |