Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần
Các tổ chức tín dụng có bất ngờ trước quyết định giảm lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước lần thứ ba này không, thưa ông?
Các ngân hàng đã dự đoán trước được điều này dựa trên nhiều yếu tố nên không bất ngờ trước quyết định giảm lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước.
Ở trong nước, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất tốt; thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng ổn định. Tuy nhiên tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước do doanh nghiệp đang gặp khó khăn, kinh tế tăng trưởng yếu. Bối cảnh bên ngoài chu kỳ tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới bắt đầu chững lại. Theo đó, nhiều NHTW lớn đã giảm cường độ tăng lãi suất và phát đi tín hiệu có thể sớm dừng lại; có NHTW đã dừng tăng lãi suất và thậm chí có NHTW đã điều chỉnh giảm lãi suất.
Tôi cho rằng, quyết định của ngân hàng Nhà nước phù hợp thời điểm hiện nay, theo định hướng của Chính phủ, diễn biến chung của tình hình toàn cầu.
Vậy xu hướng giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng thế nào, thưa ông?
tổ chức tín dụng đang chịu áp lực trong giảm lãi suất cho vay. Hiện tại lãi suất cho vay chưa thể giảm tương ứng lãi suất huy động. Bởi lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn cuối năm 2022 và đầu quý I/2023, các ngân hàng phải huy động với lãi suất cao. Như vậy, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cao cho số tiền huy động này trong một thời gian nữa. Do đó giảm lãi suất cho vay trong thời gian này tạo áp lực cho ngân hàng, NIM sẽ thu hẹp...
Dù khó, song ngân hàng xác định đây là việc phải làm để hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề nữa là tín dụng của các ngân hàng đang diễn ra khá chậm, người dân, doanh nghiệp có xu hướng hạn chế vay. Do đó, dù có hơi áp lực, nhưng giảm lãi suất cho vay có thể kích cầu tín dụng.
Việc hạ lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Bởi vậy động thái hạ lãi suất điều hành lần này được thị trường kỳ vọng có sức lan tỏa mạnh hơn trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ông đánh giá thế nào về kỳ vọng trên?
Tôi nghĩ rằng, kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở. Như trao đổi ở trên, tuy số vốn huy động giá cao của ngân hàng vẫn còn nhiều. Nhưng theo thời gian lượng vốn tồn kho giá cao ít đi. Lượng vốn mới giá thấp hơn dần trung hòa chi phí giá vốn cho các ngân hàng. Đến khi trung hòa được chi phí các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay nhiều hơn.
Dù đánh giá cao động thái giảm lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà nước nhưng giới chuyên gia nhận định, đây chỉ là yếu tố cần, không phải là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Đúng là như vậy. Ở bất kỳ quốc gia nào, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần nhiều chính sách phối hợp mới đạt hiệu quả. Tương tự ở Việt Nam cũng vậy, chính sách lãi suất cũng chỉ là một phần trong các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ở góc độ chính sách vẫn còn nhiều chính sách khác có thể hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế như: thúc đẩy đầu tư công; hay cần sớm gỡ vướng pháp lý cho các dự án BĐS. Bởi 70% vướng mắc của doanh nghiệp BĐS là từ pháp lý nên cần sớm được khắc phục để khai thông thị trường quan trọng này.
Đó là các yếu tố trong nước, còn bên ngoài cũng có nhiều yếu tố tác động đến nền kinh tế mở như Việt Nam. Điều này thấy rõ qua kinh tế toàn cầu suy giảm, cầu hàng hóa giảm đang ảnh hưởng đáng kể đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục giảm. Thời gian tới, nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh trong nước. Trong bối cảnh như vậy, cần phải có nhiều biện kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu nội địa thì mới tạo lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào một chính sách đơn lẻ có thể thay đổi tất cả, cụ thể ở đây là câu chuyện lãi suất. Đó là chưa kể việc giảm lãi suất cũng cần phải được tính toán cẩn trọng, phù hợp với cả tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là lạm phát. Nếu giảm sâu quá sẽ có những phản ứng phụ không mong muốn. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ vốn, là môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải thấy cơ hội kinh doanh thực sự hiệu quả mới vay thêm vốn.
Xin cảm ơn ông!