Giảm lãi suất điều hành góp phần phục hồi kinh tế
Quyết định quyết đoán
Ngày 25/5/2023 là ngày đầu tiên 4 mức lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam áp dụng theo biểu mới. Đây là lần giảm lãi suất thứ ba của NHNN kể từ giữa tháng 3 đến nay. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD sẽ là 5,5%/năm thay vì mức 6,0%/năm trước đó; tương tự lãi suất tái cấp vốn mới là 5,0%/năm, thay vì mức 5,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm sẽ là 5,0%/năm giảm 0,5%/năm và lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN từ 0,5-1,5%/năm tuỳ từng loại.
Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là rất phù hợp với diễn biến nền kinh tế trong, ngoài nước, tạo tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Lần giảm lãi suất điều hành này theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã được NHNN cân nhắc rất kỹ lưỡng để có thể đạt được đa mục tiêu: kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó hiện lạm phát đang có xu hướng giảm; mặc dù biến động giá cả xăng dầu, tăng lương… cũng có thể gây áp lực nhưng nhìn chung lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo; áp lực đến tỷ giá và lãi suất từ bên ngoài cũng giảm khi Fed và nhiều NHTW lớn khác cũng đã phát đi tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất.
Trong khi đó, ở trong nước sức cầu tín dụng yếu thể hiện qua tăng trưởng tín dụng thấp so với cùng kỳ các năm. Cầu tín dụng yếu do cả đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh; và sức cầu tiêu dùng là trụ cột cho tăng trưởng cũng bắt đầu yếu đi do người dân thắt chặt chi tiêu. Nhận thấy có những điều kiện để thực hiện giảm lãi suất, NHNN đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất thêm một lần nữa để góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ TCTD giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. “Do tính bất định từ bên ngoài còn nhiều, đặc biệt là mối quan hệ cung tiền, tỷ giá khá nhạy cảm nên động thái đảo chiều chính sách của NHNN đều được diễn ra một cách linh hoạt nhưng thận trọng. Điều này là rất cần thiết và NHNN cố gắng tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới”, TS. Thành nhấn mạnh.
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận xét, trong thời điểm hiện tại, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành giảm với mức 0,5%/năm là hợp lý. Việc giảm từ từ lãi suất sẽ tránh tạo ra những cú sốc không đáng có cho nền kinh tế.
Lãi suất điều hành giảm sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất |
Động thái hạ lãi suất điều hành lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Về phía TCTD, đại diện Vietcombank cho biết, khi mặt bằng lãi suất huy động giảm đồng đều đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát khẩn trương triển khai giảm lãi suất đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng thông tin, từ ngày 25/5/2023, Agribank sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động theo chỉ đạo của NHNN. So với năm 2022, lãi suất đầu vào đã giảm tương đối nhiều, đây là điều kiện căn cứ để giảm lãi suất cho vay. Agribank đã chủ động giảm lãi suất cho vay tuỳ từng đối tượng mức thấp nhất chỉ từ 4,5% /năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn. Mới đây nhất, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng.
Đối tượng mong chờ nhất sau quyết định giảm lãi suất điều hành chính là các doanh nghiệp. Ông Dương Ngọc Hạnh - Giám đốc CTCP cơ khí chính xác HBT Việt Nam phấn khởi cho biết, doanh nghiệp này vừa được thông báo, sẽ được giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho khoản vay ngắn hạn bắt đầu từ đầu tháng 6 này. Đây là lần thứ hai từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này được ngân hàng giảm lãi suất.
Lãnh đạo một công ty chuyên về thiết bị phần mềm chia sẻ, sau hai đợt NHNN giảm lãi suất điều hành trước đó, doanh nghiệp này đã được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 2 – 2,5%/năm, tiết giảm một khoản chi phí hoạt động tương đối. Từ đó doanh nghiệp có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm cũng nhanh hơn. Chính vì vậy, ngay sau khi có thông tin NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ ba, lãnh đạo doanh nghiệp này rất vui mừng và kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. “Với mức lãi suất hiện tại mà doanh nghiệp đang vay trong bối cảnh kinh tế phát triển bình thường thì phù hợp. Song, thời điểm này khi đơn hàng xuất khẩu giảm sút, mọi chi phí đều phải cắt giảm thì nếu tiếp tục được giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp có một khoản tiền dự trữ để cầm cự hoạt động vượt qua thời điểm khó khăn này”, lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ.
Không nên chỉ trông chờ giảm lãi suất
Không phủ nhận giảm lãi suất là yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế, nhưng giới chuyên gia nhận định, đó chỉ là yếu tố cần, còn thiếu yếu tố đủ nữa là chính sách kích cầu tiêu dùng. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, giảm lãi suất quan trọng nhưng không thể giải quyết tất cả các vấn đề. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ tín dụng đang rất yếu do cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nền kinh tế đang giảm. Bên cạnh đó, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng vì tín dụng ngân hàng gắn với an toàn của hệ thống, phải rất cảnh giác đối với nợ xấu đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Do đó, hiện tại động lực thúc đẩy tăng trưởng không chỉ trông chờ từ phía chính sách tiền tệ mà cần có sự phối hợp chính sách các bộ ngành khác như khơi thông pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu, BĐS. Đặc biệt là cần phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; tập trung các biện pháp kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT, giảm phí; hỗ trợ một một số nhóm yếu thế, người lao động mất việc, thu hút du lịch cả trong và ngoài nước...
Nhấn mạnh động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ ba này thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đây chỉ là yếu tố cần. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng hấp thụ vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chính sách chứ không phải riêng lãi suất. Minh chứng là thời gian vừa qua lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng kinh tế không tăng. Bởi doanh nghiệp không thấy cơ hội kinh doanh, nên cho dù giảm lãi suất thêm doanh nghiệp cũng không mặn mà vay. Người dân do thu nhập giảm đang thắt chặt chi tiêu không có khả năng vay vốn.
Từ phân tích trên, TS. Huân khẳng định, kích cầu tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mà để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công, bởi sức khỏe doanh nghiệp khu vực tư nhân đang suy giảm mạnh. “Sự hỗ trợ từ phía chính sách tiền tệ hiện chủ yếu tập trung vào giảm lãi suất. Nhưng nếu giảm nhiều lãi suất có thể gây ra rủi ro đảo chiều dòng vốn. Thực tế thời gian vừa qua ngành Ngân hàng đã làm hết khả năng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giờ các chính sách khác phải hỗ trợ trong đó phải tập trung chính sách tài khóa để kích cầu. Bằng mọi giá phải kích cầu nền kinh tế kể cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước mới hỗ trợ kinh tế hồi phục tích cực”, TS. Huân nhận định.