Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững
Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện bày tỏ trăn trở về 5 khó khăn mà đồng bào DTTS, MN đang đối mặt: điều kiện tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đầu tư nhiều nguồn vốn cho DTTS, MN
Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được chia thành hai giai đoạn: 2012 đến 2015 và 2016 đến 2020.
Về nguồn lực thực hiện, kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018 là 47.411.162 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2015 bố trí 25.813,605 tỷ đồng, đạt 125,86% kế hoạch; giai đoạn 2016-2018 bố trí 21.597,557 tỷ đồng, đạt 52,11% kế hoạch).
Bên cạnh đó, kinh phí huy động từ các chương trình/dự án hợp tác quốc tế là 8.974 tỷ đồng; từ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp được 3.889,17 tỷ đồng; từ Quỹ vì người nghèo 3.989,42 tỷ đồng...
Ngoài ra là huy động nguồn lực từ các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vùng DTTS, MN. Tính đến 31/12/2018, trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 46.159 tỷ đồng.
“Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, MN. Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm”, ông Chiến cho biết.
Tuy nhiên, đằng sau những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn cho biết trong khi nguồn lực còn khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo. Qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước: giai đoạn 2012-2015 sai phạm là 104 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2016-2018 sai phạm tới hơn 141 tỷ đồng.
Giảm nghèo nhưng chưa bền vững
Nghẹn ngào khi phát biểu, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện nói: “Tôi rớt nước mắt khi người dân Hòa Bình nơi tôi ứng cử hỏi tại sao các vùng khác có chương trình sữa học đường nhưng ở Hòa Bình học sinh không được hộp sữa, vẫn phải đi chân đất? Khi làm thủy điện Hòa Bình, người dân “vén váy” chạy nước, nhường đất để làm thủy điện nhưng đời sống đến nay vẫn đói nghèo. Do đó phải thu hút nguồn lực để đầu tư cho vùng khó khăn, nâng cao hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo để giảm chênh lệch giàu nghèo”, bà Hải nói.
Phát biểu của bà Hải cũng được Đoàn giám sát làm rõ: kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Cụ thể là tỷ lệ hộ DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm DTTS...
Trong khi đó, sinh kế của hộ DTTS, MN không ổn định. Tỷ lệ hộ DTTS được giao đất, giao rừng rất thấp, chiếm 11,5% số hộ, trung bình 2,13 ha/hộ (thấp hơn rất nhiều so với định mức khoán tối đa không quá 30 ha/hộ); còn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt…
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn kết quả giảm nghèo.
Trong khi đó, hộ nghèo vùng DTTS, MN một số nơi còn phong tục, tập quán lạc hậu gây tốn kém tiền của người dân; trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều, thiếu kiến thức làm ăn; đông con, thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất; một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
Bên cạnh đó, một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành chậm và chậm sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng đến chỉ đạo điều hành; công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho vùng DTTS, MN chưa thực sự hiệu quả; việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến năng suất và sản lượng thấp…
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra từ các Bộ, ngành trung ương đến các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nội dung thanh tra chưa sâu sắc, chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ các sai phạm để có biện pháp xử lý và điều chỉnh chính sách phù hợp; nhiều chương trình, dự án, địa phương thực hiện chất lượng kém, không hiệu quả, thậm chí lãng phí, thất thoát gây dư luận trong nhân dân...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia chung cả nước. Ông Hiển nhấn mạnh, cần đặt biệt quan tâm đồng bào DTTS, đặc biệt cần đi vào những đột phá như hạ tầng, giáo dục…