Giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong vận hành hệ thống thanh toán
Ảnh minh họa |
Thông tư 20 nhằm đảm bảo tính an toàn, ổn định và hiệu quả của các hệ thống thanh toán quan trọng; Đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật có liên quan đến các hệ thống thanh toán quan trọng; Phát hiện kịp thời và cảnh báo tổ chức vận hành nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thanh toán quan trọng; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, tăng cường niềm tin của khách hàng vào các dịch vụ thanh toán.
Điều 5, Thông tư 20 quy định hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng. Căn cứ trên các tài liệu, thông tin, dữ liệu được thu thập theo quy định tại khoản 1 Điều này, Đơn vị giám sát thực hiện đánh giá đối với từng hệ thống thanh toán quan trọng và xây dựng báo cáo giám sát trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Báo cáo định kỳ quý, 6 tháng đầu năm, năm đối với Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia;
Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm, năm đối với hệ thống thanh toán ngoại tệ, hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán, hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính; Báo cáo đột xuất về các rủi ro, sự cố phát sinh của các hệ thống thanh toán quan trọng.
Trường hợp Đơn vị giám sát phát hiện các vấn đề rủi ro tiềm ẩn có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống thanh toán quan trọng hoặc dẫn đến việc các tổ chức vận hành không tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thanh toán quan trọng, Đơn vị giám sát báo cáo, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với tổ chức vận hành.
Về kiểm tra tại chỗ, theo Điều 6 của Thông tư, đơn vị giám sát trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trương thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tại địa điểm làm việc của tổ chức vận hành trong trường hợp Đơn vị giám sát phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu do tổ chức vận hành cung cấp bị thiếu, lỗi, sai hoặc không phù hợp nhưng chưa khắc phục hoặc phát hiện những vấn đề có liên quan đến rủi ro cần thu thập thêm tài liệu, thông tin, dữ liệu.
Tùy theo nội dung và tính chất vụ việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành phần, thời hạn làm việc của đoàn kiểm tra.
Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản tới tổ chức vận hành ít nhất trước 05 ngày làm việc, trong đó nêu rõ nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đoàn kiểm tra.
Tổ chức vận hành phải chuẩn bị đầy đủ nội dung phục vụ việc kiểm tra; cung cấp tài liệu, thông tin, dữ liệu báo cáo và quyền truy cập vào hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ việc kiểm tra; giải trình, làm rõ các nội dung thông tin, báo cáo khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Thông tư 20 cũng quy định một số nội dung: Báo cáo, cung cấp thông tin; Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia; Hệ thống thanh toán ngoại tệ…
Thông tư 20/2018/TT-NHNN Quy định về giám sát các hệ thống thanh toán có gồm 4 Chương, 17 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.