Giảm thiểu rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bà Trần Khánh Hiền, Phó Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong tháng 8/2020, tổng giá trị TPDN phát hành ra thị trường đạt 40.399 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước; trong đó 38.399 tỷ đồng TPDN phát hành riêng lẻ, và 2.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Toàn bộ giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng là từ Công ty CP Vincom Retail.
Giá trị TPDN riêng lẻ đăng ký phát hành trong tháng 8 tăng 68,1% so với tháng 7 lên mức 127.092 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công đạt mức 30,2%. Những DN có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 8 là: Công ty THHH Saigon Glory (5.000 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Sovico (5.000 tỷ đồng) và Công ty CP Tập đoàn Masan (4.085 tỷ đồng). Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 250.129 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa |
Theo bà Hiền, thị trường TPDN tương đối sôi động do nhu cầu nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro giảm xuống, nhu cầu đầu tư tăng lên trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2. Bên cạnh đó, DN tích cực phát hành trái phiếu trước thời điểm Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc “sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN” chính thức cố hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Theo đó, Nghị định mới này sẽ siết chặt hơn điều kiện phát hành TPDN trong thời gian tới và do đó các DN đã tranh thủ trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực để đẩy mạnh phát hành TPDN.
Về cơ cấu TPDN phát hành riêng lẻ theo ngành, trong tháng 8, giá trị TPDN phát hành riêng lẻ của nhóm ngành tài chính – ngân hàng giảm 35,3% so với tháng trước, đạt 11.438 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,8% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Trong đó đóng góp nhiều nhất là các ngân hàng với tổng giá trị phát hành thành công đạt 8.138 tỷ đồng, còn lại 3.300 tỷ đồng từ các công ty dịch vụ tài chính khác như Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (1.900 tỷ đồng) và Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (750 tỷ đồng).
Nhóm ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 11.430 tỷ đồng, giảm 6,8% so với tháng trước, chiếm 29,8% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Trong đó, đáng chú ý là các đợt phát hành với khối lượng lớn như Công ty TNHH Saigon Glory (5.000 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (2.220 tỷ đồng), Công ty CP Địa ốc Phú Long (1.800 tỷ đồng)…
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các TCTD (Bộ Tài chính) cũng cho biết, thị trường TPDN có sự tăng trưởng nhanh về quy mô, đến cuối tháng 7/2020 ở mức tương đương 11,2% GDP năm 2019. So với một số nước trong khu vực mặc dù quy mô thị trường TPDN còn ở mức thấp, tuy nhiên sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này.
Các DN, trong đó có DN quy mô nhỏ, DN bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của DN gặp khó khăn, DN sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu, gây bất ổn cho thị trường. Nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi DN không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành TPDN (có thể là các NHTM, Công ty chứng khoán) có rủi ro là không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trước sự tăng trưởng và phát triển nhanh của thị trường TPDN, ông Dương cho biết, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường. Theo đó, cơ chế chính sách về phát hành TPDN liên tục được hoàn thiện nhằm hỗ trợ các DN huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày phát hành để phân biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163 nhằm nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành; khống chế khối lượng phát hành theo phương thức riêng lẻ; quy định khoảng cách giữa các đợt phát hành tối thiểu 6 tháng; chuẩn hóa hồ sơ phát hành; yêu cầu DN công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu tạo điều kiện để nhà đầu tư trái phiếu giám sát…
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ của các loại hình DN, phân biệt giữa kênh phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Theo đó, TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn quy định về phát hành TPDN ra công chúng và phát hành riêng lẻ để thực hiện.
Ngoài ra, công tác quản lý giám sát cũng được tăng cường thông qua các đoàn kiểm tra liên Bộ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các đối tượng tham gia thị trường tuân thủ quy định của pháp luật và chấn chỉnh việc phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với NHNN, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tăng cường giám sát liên thông trên thị trường tài chính, tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN của TCTD; chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN của công ty chứng khoán...