Giảm thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng và giúp tạo thêm việc làm
Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 |
Đề nghị mở rộng thêm lĩnh vực, áp dụng luôn cho cả năm 2024
Sau khi nghe trình bày tóm tắt dự án Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về dự án, các đại biểu đã nếu ý kiến thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trong tham gia ý kiến cho biết nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc cho việc ban hành, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn một số vấn đề liên quan đến tác động của chính sách này đối với kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như tác động như thế nào tới ngân sách các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga |
Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023. “Phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất theo mục tiêu xây dựng Nghị quyết, vừa không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng”, đại biểu Nga đề xuất.
Nữ đại biểu cũng đề nghị trong đánh giá cần xem xét tách bạch giữa việc tăng, giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa theo quy luật với việc tăng, giảm do tác động của chính sách này. Ví dụ, thông thường sức mua sắm sẽ tăng vào tháng 1 hàng năm do người dân mua sắm cho Tết cổ truyền và sức mua sẽ giảm đáng kể vào tháng 2 và tháng 3 do hàng hóa mua dự trữ cho dịp Tết vẫn còn, người dân ít có nhu cầu mua sắm. “Khi tách bạch như vậy, những đánh giá sẽ chính xác hơn để làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách tiếp theo”, vị đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh |
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau), dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế, nên tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, thuế VAT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực tế tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng tích cực trong năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế VAT đã phát huy giá trị cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.
Về đối tượng áp dụng đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. “Việc phân biệt đối tượng giảm thuế VAT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường; có những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên việc phân biệt đối xử khi giảm thuế vừa gây khó khăn cho công tác hạch toán, vừa tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào, đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những sản phẩm dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách đề xuất giảm thuế VAT sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm”, vị đại biểu phân tích.
Bên cạnh đó đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu và trong nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường và doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn cần được trợ lực. “Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Hơn nữa, giá phải trả cho dự kiến thu hụt ngân sách nếu áp dụng giảm thuế VAT trong cả năm 2024 không phải là cao, trong khi giảm thuế đạt được mục đích kép là thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời kiềm chế lạm phát”, đại biểu đề xuất.
Thực tế đối tượng không có gì thay đổi
Về ý kiến tại sao không giảm toàn bộ mà chỉ giảm các lĩnh vực như Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế chính sách này đã thực hiện 3 năm nay và đối tượng cũng không có gì thay đổi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Áp dụng như vậy để đảm bảo nhất quán trong chính sách đồng thời giảm áp lực cho ngân sách. Bộ trưởng Hồ Đức nêu con số cụ thể: Nếu chúng ta giảm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ thì 6 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 37,1000 tỷ đồng; còn nếu chỉ có hàng hóa, dịch vụ như trong đối tượng đã trình thì khoảng 25.000 tỷ đồng.
Việc giảm thuế VAT chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, điều đó có nghĩa chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp giảm thuế nhằm mục đích kích cầu, mà thực ra chỉ có tác dụng trong ngắn hạn chứ không thể có tác dụng trong dài hạn. Để tăng trưởng kinh tế thì vấn đề là thủ tục đầu tư, là tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, vấn đề thị trường, vấn đề nguồn vốn, vấn đề quản trị, về ứng dụng công nghệ khoa học, tăng năng suất lao động, nhiều về yếu tố tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh để tăng trưởng GDP. Đây chỉ là một trong những giải pháp mà lâu nay đã thực hiện có hiệu quả.
Thuế VAT là thuế gián thu - nghĩa là đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp là người nộp thuế nhưng người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Khi giảm thuế là giảm giá sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng được cầu của hàng hóa thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ bán được hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong ngắn hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì chúng ta giảm thuế trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp khác. Khi vượt qua rồi thì chúng ta sẽ tăng thuế suất khi sửa các luật thuế.
Ông Hồ Đức Phớc cũng thông tin, nếu giữ nguyên đối tượng như dự thảo Nghị quyết thì áp dụng 1 năm, ngân sách sẽ giảm thêm 50.000 tỷ. “Trong khi đó dự toán ngân sách vừa trình với Quốc hội (đã có Nghị quyết thông qua) thì chúng ta chỉ giảm 6 tháng của năm 2024. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá và sẽ báo cáo với Thường vụ Quốc hội và sẽ trình Quốc hội sau”, Bộ trưởng nói về khả năng có thể tiếp tục kéo dài chính sách này cho nửa cuối năm 2024.