Giao rừng để… phá rừng?
Tan hoang rừng đầu nguồn
Theo tuyến đường ĐT 611, vượt lên thượng nguồn sông Cu Đê, ngay trên đường đi, phóng viên đã phát hiện một số người dân địa phương đang bốc từng khúc gỗ lớn lên các xe tải có tải trọng lớn. Khi được hỏi, sao dám ngang nhiên vận chuyển gỗ như vậy, một số người đang tham gia vận chuyển cho biết, đây là số gỗ tận thu, chứ không khai thác trái phép.
Tiếp tục ngược lên đỉnh đèo Mũi Trâu vẫn thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, đập vào mắt chúng tôi là những cánh rừng tự nhiên đã được khai thác một cách vô tội vạ. La liệt trên mảng đồi nham nhở là những cây rừng đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Tại hiện trường, rải rác là những khúc gỗ lớn do các đối tượng chặt hạ chưa kịp chuyển đi. Những gốc cây đường kính lên tới hơn 50 - 70cm cũng bị đốn hạ không thương tiếc.
Cánh rừng tự nhiên đã bị người dân chặt phá nham nhở |
Được biết, cánh rừng ở đèo Mũi Trâu là rừng tự nhiên, trước đây hầu như chưa hề có sự tác động của con người. Khu vực này chính là rừng đầu nguồn bảo vệ cho hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc Cơ Tu, ở xã Hòa Bắc và xa hơn nữa là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường cho TP. Đà Nẵng ở vùng hạ nguồn sông Cu Đê...
Để xác minh, làm rõ việc phá rừng đầu nguồn khá nghiêm trọng, cách trung tâm TP. Đà Nẵng không xa, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBND xã Hòa Bắc. Tại đây, bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, việc chặt cây, xâm hại đến việc phá rừng ở đèo Mũi Trâu là do bà con người ta dọn rừng đã được giao đất, giao rừng!
Giải thích cho ý kiến của mình bà Hà cho biết thêm, theo kiến nghị của người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí từ năm 2015 về nhu cầu cần đất để phát triển sản xuất, tháng 3/2016, UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho bà con phát triển sản xuất. Theo quyết định phê duyệt của UBND TP. Đà Nẵng, diện tích đất rừng được giao là 442 ha, hơn 100 hộ dân ở Tà Lang, Giàn Bí mỗi hộ được giao khoảng 3 ha rừng.
Trước khi có quyết định này, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra thực địa, đo đạc, kiểm tra, xác định vị trí rừng... Toàn bộ diện tích đất này là đất lâm nghiệp (1C), thuộc loại đất rừng sản xuất, rừng nghèo. Đến khi được hỏi, tại sao khi dọn rừng, bà con “dọn” luôn cả những cây gỗ tự nhiên có đường kính lên đến cả 70 cm, với hàng chục năm tuổi.
Bà Hà tiếp tục giải thích, trước đó cụ thể vào ngày 17/3/2017, chính quyền xã cùng các cơ quan chức năng tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động nhân dân, chỉ chặt cây nhỏ, còn cây đường kính từ 20cm trở lên phải chừa lại để cây phát triển...
Tuy nhiên, tại hiện trường thực tế đã cho thấy, người dân không chỉ chặt hạ những cây nhỏ, mà cả các cây gỗ lớn đều bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Phải chăng, người dân đã lợi dụng việc được giao đất rừng để ngang nhiên khai thác lâm sản một cách trái phép?
Buông lỏng quản lý?
Liên quan đến vụ việc, ngay sau khi vụ việc bị phát giác, một đoàn kiểm tra liên ngành gồm, lực lượng kiểm lâm, tài nguyên môi trường và chính quyền xã Hòa Bắc đã đến thực địa và kiểm tra việc phá rừng. Theo đại diện UBND xã Hòa Bắc, ngay sau khi phát hiện việc bà con ở địa phương đã “quá tay” khi dọn dẹp cây rừng, chính quyền đã cho người đi kiểm tra và ngăn chặn. Trước mắt, lực lượng liên ngành đã đình chỉ việc phát dọn thực bì của người dân.
Đồng thời, bố trí lực lượng gồm kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xã Hòa Bắc... túc trực ở khu vực đèo Mũi Trâu để kiểm tra, giám sát thường xuyên, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng người dân tiếp tục phát dọn thực bì, lợi dụng để chặt phá cây rừng tự nhiên.
Về lâu dài, bà Lê Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức họp dân để tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết không được chặt hạ cây rừng tự nhiên trên phần đất được giao.
Đặc biệt, về việc xử lý những hộ dân vi phạm trong việc chặt phá cây rừng tự nhiên, qua kiểm tra của lực lượng chức năng trong sáng nay đã phát hiện có 15 trường hợp người dân ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí tiến hành phát dọn thực bì ở khu vực đèo Mũi Trâu. Riêng đối với số lượng cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm đếm để có biện pháp xử lý phù hợp.
Vụ việc người dân chặt phá cây rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác giao khoán đất rừng cho người dân. Thực tế, tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, chủ trương giao đất rừng cho người dân để phát triển kinh tế là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, gần như giao đất rừng xong cho bà con, thì công tác giám sát, quản lý việc sử dụng đất rừng của bà con lại bị buông lỏng. Điều này, tạo điều kiện cho những đối tượng xấu ngang nhiên khai thác lâm sản trái phép một cách công khai. Chỉ đến khi, dư luận phản ứng, cơ quan báo chí vào cuộc thì chính quyền mới có biện pháp ngăn chặn. Đến lúc này, nhiều cánh rừng đã... biến mất.