Giữ mức lương hưu tối thiểu, nhưng không áp dụng với tất cả đối tượng thụ hưởng?
Chi trả lương hưu gộp 2 tháng đầu năm 2024 Bộ Tài chính đề nghị xem lại mức tăng lương hưu, trợ cấp Khuyến khích nhận lương hưu, trợ cấp theo phương thức không dùng tiền mặt |
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lý giải: từ ngày 1/7/2024, Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, lương khu vực Nhà nước sẽ không còn mức lương cơ sở, nên việc quy định mức lương hưu thấp nhất như hiện nay không còn phù hợp.
Tuy vậy, tại dự thảo Luật BHXH mới nhất, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp lương hưu tối thiểu nhằm bảo lưu quy định trong luật hiện hành (Luật BHXH năm 2014) nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người về hưu.
Theo quy định hiện nay, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu (áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng BHXH bắt buộc) bằng mức lương cơ sở.
Cần tính toán, chi trả lương hưu để người lao động không bị thiệt |
Đáng chú ý, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, thiết kế phương án chỉ áp dụng với các đối tượng đang được hưởng theo quy định tại Luật BHXH năm 2014 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vậy, có khả năng những người tham gia BHXH sau ngày 1/7/2025 (Luật BHXH sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua năm 2024, có hiệu lực từ tháng 7/2025) có thể sẽ không trong phạm vi áp dụng quy định bổ sung về mức lương tối thiểu như đã nêu trên.
Trước đó, nhiều đại biểu quốc hội và các chuyên gia an sinh xã hội lo ngại rằng bỏ đi mức lương hưu này mang tác động rất lớn, khiến nhiều người cao tuổi không đủ sống.
Theo đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn tỉnh Hà Giang), do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại khoản 5, điều 56 của Luật BHXH năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại về quyền lợi của mình. Do vậy, đại biểu Vương Thị Hương đã từng đề nghị Ban soạn thảo xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp có thể bảo đảm cuộc sống.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đề xuất giữ lại quy định về mức lương hưu tối thiểu hàng tháng, Đại diện cơ quan công đoàn nhấn mạnh, việc bỏ mức lương hưu hàng tháng thấp nhất cũng khiến nhiều người lao động băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hoá" của một bộ phận người dân trong tương lai. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, giữ lại quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất hoặc có phương án để cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, trường hợp bỏ đi lương hưu tối thiểu thì vẫn cần có một mức sàn an sinh. Mức này sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và từng thời kỳ để xem xét điều chỉnh cụ thể bao nhiêu. Mức sàn an sinh chứ không phải sàn lương hưu, nhằm hỗ trợ cho người có lương hưu thấp. Cơ chế mới này cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố: mức sống dân cư từng thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội… Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu để tính toán cho phù hợp, vị nguyên Thứ trưởng đưa ra góp ý.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng từng nhận định, hiện nay bối cảnh tốc độ già hóa dân số và tỷ trọng người cao tuổi đều có xu hướng tăng nhanh mà tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm. Kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân. |