Giữ vững vị thế ngân hàng bán lẻ
Giữ vững ưu thế
Đến 30/9/2024, tín dụng của ACB đạt 555 nghìn tỷ, huy động đạt 512 nghìn tỷ, tăng trưởng so với đầu năm lần lượt ghi nhận 13,8% và 6,1%. Đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua. Điều này cho thấy, ACB tiếp tục giữ vững ưu thế trong mảng bán lẻ và thực hiện chiến lược tăng trưởng cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp khi ghi nhận lũy kế tín dụng mảng doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2024 có tốc độ hơn 15%.
Về tiền gửi không kỳ hạn, ACB đẩy mạnh các giải pháp thu hút tiền gửi thông qua gia tăng tiện ích cho khách hàng, cung cấp giải pháp, tiện ích quản lý cửa hàng cho các hộ kinh doanh; nâng cấp các dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm khách hàng ưu tiên. Nhờ đó, huy động không kỳ hạn đạt 114 nghìn tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao ở mức 22,2%.
Theo đại diện ACB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ACB tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu quý 3/2024 của ACB ở mức 1,49%, thuộc nhóm những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất thị trường. Chi phí trích lập dự phòng quý 3 thấp hơn mức trích bình quân trong 2 quý đầu năm.
Các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN được ACB tuân thủ nghiêm ngặt với tỷ lệ LDR 82,4%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 20,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (riêng lẻ) tới cuối quý 3 ở mức 11,3%, vượt xa so với mức quy định của NHNN.
Bên cạnh đó, ACB nỗ lực kiểm soát tốt và tối ưu chi phí hoạt động ở mức 8,2 nghìn tỷ, tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CIR được duy trì ở mức thấp 32,7%. ROE của ACB vẫn duy trì ở mức cao 22,2%, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu ngành.
Đẩy mạnh ngân hàng số và mở rộng cung cấp tín dụng
Theo định hướng của Chính phủ về tăng trưởng xanh 2021-2030, ACB đang triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với chương trình hành động phát triển bền vững của ngành Ngân hàng, góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng đầu năm của ACB.
Đại diện ACB cho hay, các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng số ACB ONE được đẩy mạnh, tính đến cuối quý 3, doanh số giao dịch và số lượng giao dịch online tăng mạnh mẽ, lần lượt tăng 32% và 57% so với năm 2023. ACB ONE được khách hàng đánh giá cao với trải nghiệm tiện lợi, chương trình tích điểm giao dịch đổi hàng ngàn loại quà tăng phong phú và phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Mới đây nhất, trong sự kiện “Khơi thông vốn, đón cơ hội” kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp do NHNN tổ chức, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, ACB hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Gói tín dụng này có thể tăng lên 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng nếu doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài…