Gỡ khó cho xuất khẩu tôm
Dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh
Kiên Giang có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.141 ha, số liệu thống kê từ đầu năm 2021 đến nay đã thả nuôi 3.250 ha, đạt 70% kế hoạch. Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, sản lượng của địa phương này tại chợ đầu mối Bình Điền (TP. HCM) chiếm tới 80%. Từ ngày 6/7/2021, các chủ vựa ở chợ Bình Điền thông báo tạm ngưng nhận tôm vì chợ tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 khiến giá tôm giảm 10%. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ tôm cũng gặp khó khăn do các nhà máy hạn chế tiếp nhận nguyên liệu ồ ạt nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 lan rộng cũng làm thị trường xuất khẩu nhiều khăn khăn. Thêm nữa, tình hình hạn hán xâm nhập mặn những tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nuôi trồng thủy sản của bà con. Công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ nên một số hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh theo hướng tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm chưa qua xử lý.
Cần thiết phải xây dựng hình ảnh ngành tôm Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong số khoảng 740 nghìn ha nuôi tôm mới chỉ có khoảng 100 nghìn ha nuôi tôm công nghiệp, bán thâm canh công nghệ cao, còn lại là nuôi nhỏ lẻ, manh mún theo hướng quảng canh, sinh thái. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nuôi tôm cũng như việc xử lý môi trường nuôi chưa được chú trọng. Những tháng cuối năm nay nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại có thể tăng mạnh. Đặc biệt, các mầm bệnh nguy hiểm trên tôm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm.
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với tôm nước lợ, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Việc triển khai đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm, chỉ đạt gần 10%.
Những vấn đề từ thị trường xuất khẩu
Theo ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, Cục đã nhận được thông tin cảnh báo 10 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam liên quan đến dư lượng hóa chất, kháng sinh, chiếm 33% tổng số trường hợp tôm nuôi bị cảnh báo. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có 15 lô hàng tôm bị cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, trong đó có 5/15 lô liên quan đến tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã thực hiện 123 đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống tạp chất trong tôm. Kết quả, phát hiện 36 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 455 triệu đồng.
Đây là những tồn tại phải khắc phục ngay khi xuất khẩu tôm sang các thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đáng chú ý, nhiều thị trường đã đưa ra những rào cản kỹ thuật rất khắt khe khiến việc xuất khẩu tôm gặp khó.
Ví dụ, sản phẩm tôm đáp ứng quy định xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định này khá dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm. Do đó, Cục đã có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc điều chỉnh lại.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam- nhận định, xuất khẩu tôm năm nay sẽ tăng 15% và vượt mốc 4 tỷ USD. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ ổn định ở mức trên 1 tỷ USD; thị trường EU 27 kỳ vọng phục hồi mức 700 triệu USD; thị trường Anh với UKVFTA có thể đạt 400 triệu USD.
Trước diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến tôm, bên cạnh việc kiến nghị tiêm vắc-xin cho người lao động trong doanh nghiệp ngành hàng này, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Tổng cục Thủy sản sớm có hướng dẫn, giải pháp để địa phương triển khai nhanh việc cấp mã số vùng nuôi. Đồng thời, cần có định hướng và khuyến khích phát triển nuôi tôm công nghệ cao hoặc nuôi sinh thái.
Để phát triển nghề nuôi tôm lâu dài và bền vững, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát được môi trường, như vậy mới có sản lượng hàng lớn, chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc. Song song đó là phát triển mô hình tôm lúa, tôm rừng, tôm quảng canh, hướng tới xây dựng thương hiệu tôm hữu cơ.
Về cấp mã số cơ sở nuôi, vai trò của các địa phương hết sức quan trọng phải tuyên truyền việc này đối với truy xuất nguồn gốc cũng như xây dựng hình ảnh ngành tôm Việt Nam.