Gỡ nút thắt chính sách thuế để ngành ô tô phát triển
Xin ý kiến giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước VinFast khai trương 3 cửa hàng đại lý đầu tiên tại Philippines |
Ông Thân Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Nhân lực cho biết, xe chở người và xe chở hàng có vách ngăn cố định ghi trong Luật thuế TTĐB đã gây tranh cãi từ năm 2008. Ngay cả những cán bộ trong ngành thuế cũng gặp khó khi triển khai quy định này vì nó không được lấy dẫn chiếu bởi bất kỳ quy chuẩn nào và cũng không có trong mã hải quan năm 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới. Trong khi đó, xe nào cũng có thể chở người và chở hàng. Vì vậy, ông đề nghị phải định nghĩa lại các khái niệm này, dẫn chiếu những thuật ngữ có trong tiêu chuẩn Việt Nam vào để định nghĩa và đưa thêm các tiêu chí định lượng về tỷ lệ người và hàng để phân biệt 2 loại xe này.
Ông cũng chỉ ra, về chính sách hoàn thuế, hiện dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi thì những mặt hàng rất thiết yếu cho xã hội, an ninh quốc gia như xe cứu thương, xe tang lễ, xe chở tiền, chở học sinh sản xuất trong nước lại chưa được đề cập. Trong khi đó, những xe đặc chủng này trên thế giới chưa có. Như vậy, khi doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sản xuất loại xe này phải mua xe cơ sở đã có thuế TTĐB, sau đó lắp đặt theo thiết kế nhưng không được hoàn thuế mà phải tính vào giá bán. Như vậy, giá thành rất cao. Hệ lụy là một số đơn vị phải đưa ra nước ngoài để hoán cải và nhập lại vào Việt Nam, dẫn tới mất thị trường trên sân nhà. Vì vậy, ông Dương đề xuất đưa các loại xe đặc chủng thiết yếu này vào diện được hoàn thuế TTĐB để hỗ trợ các DNNVV tăng sức cạnh tranh phát triển ngành sản xuất ô tô chuyên dụng trong nước.
Đề nghị giữ nguyên thuế suất hiện hành dành cho xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép |
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, Điều 8, Khoản đ dự thảo quy định biểu thuế đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng) trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì áp thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại động cơ đốt trong cùng loại. Về vấn đề này, VAMA đề xuất tách ra làm 2 loại xe, trong đó với xe sử dụng xăng, dầu kết hợp với năng lượng điện không có hệ thống sạc (HEV) áp dụng mức thuế như dự thảo bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại động cơ đốt trong. Còn với xe sử dụng xăng, dầu kết hợp năng lượng điện được nạp bằng hệ thống sạc (PHEV) áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 50% xe có động cơ đốt trong cùng loại.
Lý do để VAMA đưa ra đề xuất này là mặc dù Việt Nam hướng tới mục tiêu năm 2050 toàn bộ phương tiện giao thông sẽ sử dụng xe điện và năng lượng xanh, tuy nhiên ở Việt Nam, để tiếp cận được xe điện không đơn giản bởi hệ thống hạ tầng trạm sạc chưa phát triển, vẫn còn tình trạng thiếu điện. Vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng xe thuần điện cần một lộ trình nhất định, và trong lộ trình này, xe HEV và PHEV cần được cân nhắc như một lựa chọn. Bởi theo VAMA, dòng xe HEV có khả năng tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải nhà kính ở mức khoảng 30%, còn xe PHEV có khả năng tiết kiệm và giảm khí thải nhà kính từ 40% đến 60%, so với xe sử dụng xăng dầu truyền thống.
Đại diện VAMA và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng chung đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên thuế suất hiện hành dành cho xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép. Lý do là hiện thuế TTĐB của Việt Nam đối với xe bán tải cabin đôi (15%, 20% và 25%) ở mức cao so với các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Australia. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh của thị trường ô tô Việt Nam. Hơn nữa, nếu thuế suất thuế TTĐB tăng, đồng nghĩa với lượng hàng bán ra sẽ giảm, dẫn đến việc siết chặt hoạt động sản xuất, làm giảm mức đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó trong bối cảnh kinh tế phát triển đầy thách thức và phức tạp, mức sống trung bình, giá xe bán tải cabin đôi cần được duy trì ở mức hợp lý, phù hợp túi tiền của đa số người dân.