Gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu miền Trung
Kinh tế 6 tháng vượt kỳ vọng Xuất khẩu tôm hùm tăng kỷ lục |
Nhận diện những khó khăn
Trên mặt trận kinh tế, tuy có nhiều tiềm năng, song nhìn chung việc xuất khẩu của miền Trung vẫn còn những hạn chế. Ngoài những khó khăn chung cùng với cả nước như tỷ trọng xuất hàng thô cao, ít giá trị, chuỗi liên kết xuất khẩu lỏng lẻo, khó khăn về thị trường… thì việc đẩy mạnh xuất khẩu ở khu vực vẫn còn những khó khăn riêng cần được tháo gỡ.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của miền Trung chỉ đạt trên 22 tỷ USD, tương đương năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD, giảm hơn 2 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng năm qua đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022.
Nhìn nhận ở góc độ địa phương, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết, hiện địa phương có thị trường xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; có trên 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó, hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên với các mặt hàng chủ lực. Dù xuất khẩu đã có những tín hiệu phục hồi, song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp khó, vướng mắc, trở ngại cần được quan tâm, hỗ trợ.
Tại miền Trung, Thanh Hóa đang là địa phương dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Khánh Hòa… Điều đáng nói, nhiều địa phương trong khu vực có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, tuy nhiên ở một số địa phương kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn còn rất thấp…
Đặc biệt, theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu của các địa phương trong vùng còn phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp FDI. Trong khi, nguồn lực doanh nghiệp nội còn hạn chế. Nguyên nhân, do tiềm năng các địa phương khác nhau; thiếu mô hình liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị. Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp trong vùng chưa nắm bắt đầy đủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, chưa cập nhật thông tin thị trường và tham gia hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, thêm một “nút thắt” về xuất nhập khẩu ở miền Trung đó là logistics. Đơn cử, như ở Khánh Hòa vốn có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản. Nhiều sản phẩm thuỷ sản của địa phương đã chinh phục được thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc… Tuy nhiên, hoạt động logistics ở Khánh Hòa vẫn còn gặp khó khăn, khi tỉnh chưa có cảng biển phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa đóng trong container, chưa có trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu… Bởi vậy, hiện hàng hóa xuất khẩu của Khánh Hòa chủ yếu vận chuyển thông qua các cảng tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi, logistics luôn được xem là “đòn bẩy” cho hoạt động thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.
Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu ở miền Trung |
Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?
Giải quyết “nút thắt” về logistics, ông Hường Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam chia sẻ, địa phương có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gia công may mặc, giày, chíp điện tử, vật tư xây dựng; nhập khẩu các loại linh kiện ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất gạch men, máy móc thiết bị...
Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung hiện đại hóa các hoạt động logistics, nhằm thúc đẩy giao thương. Trong đó, có thể kể đến như đầu tư cảng hàng không Chu Lai; sửa chữa quốc lộ 14D kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, nâng cấp nhiều dự án giao thông… Những dự án này tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ở địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Nhờ vậy, giai đoạn 2021 - 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Nam đạt 13,3 tỷ USD, riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh logistics, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các địa phương trong khu vực miền Trung cần tính toán, liên kết với nhau, thống nhất đồng hành phát triển sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm. Từ đó, xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp, để khai thác giá trị sản phẩm một cách tốt nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển đổi nhanh, mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Muốn làm được điều đó doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để có thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đề xuất, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương theo các lĩnh vực ngành nghề, sản phẩm và theo thế mạnh của từng địa phương; thông tin rộng rãi và kịp thời đến các doanh nghiệp về kế hoạch chương trình xúc tiến thương mại hàng năm để doanh nghiệp sớm biết, đăng ký tham gia khi có nhu cầu; khu vực miền Trung tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài. Bởi vậy, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp miền Trung giới thiệu, quảng bá các sản phẩm có chất lượng trong khu vực đến với du khách, góp phần lan tỏa, đưa hình ảnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan chức năng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công thương và các bộ/ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu. Xây dựng mô hình liên kết phù hợp để mỗi mắt xích trong các chuỗi đều được hưởng lợi, từ đó từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội vùng. Về phía các doanh nghiệp cũng cần tích cực tìm hiểu ưu đãi đem lại từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia để xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất cho sản phẩm của mình; tránh rủi ro trong trường hợp một thị trường xuất khẩu nào đó gặp bất ổn.