Gỡ nút thắt gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 1/2023, giải ngân các chương trình hỗ trợ ước đạt 80.800 tỷ đồng. Trong đó, việc cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 16.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Còn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 mới chỉ đạt hơn 134 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt song kết quả hiện chưa đạt được như kỳ vọng. Qua quá trình nắm bắt, khảo sát cũng như tổng hợp các kết quả triển khai từ các NHTM, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc kết quả thực hiện chính sách này như: một số khách hàng có nhu cầu hỗ trợ nhưng không thuộc đối tượng; có khách hàng thuộc diện được hỗ trợ nhưng tâm lý e ngại. Bởi hơn ai hết khách hàng rất hiểu đây là chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và phải tuân theo rất nhiều quy trình thủ tục, từ lúc tiếp cận khoản hỗ trợ đến khâu hậu kiểm. Đặc biệt, các doanh nghiệp e ngại trong trường hợp được hưởng hỗ trợ lãi suất rồi nhưng sau này khi các cơ quan hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán vào có thể yêu cầu thu hồi, hoàn trả thì rất khó cho họ.
Để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp (trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%) sang các chương trình khác khả thi hơn |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình này diễn ra chậm. Nhưng tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất. “Vì đây là hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc bị thanh tra, kiểm tra là khó tránh. Phần lợi ích đem lại so với công sức của họ bỏ ra, rồi lại phải thanh, kiểm tra khiến cho doanh nghiệp thật sự ái ngại khi tiếp cận gói hỗ trợ lại”, ông Thân nói thêm.
Một vướng mắc lớn nữa tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất liên quan quy định “có khả năng phục hồi” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các NHTM không thể “đánh giá khả năng phục hồi” của khách hàng mà chỉ có thể đánh giá có đủ điều kiện cho vay hay không mà thôi.
Qua khảo sát không chỉ từ các NHTM, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi”, vì hiện nay các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh… đồng thời kết hợp cả những tiêu chí mang tính chất định tính như là xu hướng kinh doanh của khách hàng... “Thời điểm ngân hàng đánh giá thì doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng khi thanh tra, kiểm tra khách hàng lại xuất hiện nợ xấu do khách quan, dẫn tới ngân hàng có thể phải truy thu lại khoản đã hỗ trợ sẽ rất khó khăn”, lãnh đạo VietinBank bày tỏ lo ngại.
Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn nên bản thân các NHTM hay doanh nghiệp cũng đều không dám khẳng định rằng trong môi trường kinh tế trong và ngoài nước như vậy mình có khả năng phục hồi hay không. Do vậy, tiêu chí “có khả năng phục hồi” được giới chuyên môn cũng như bản thân các ngân hàng kiến nghị cần được sửa đổi.
“Nếu quy định trên không thay đổi, dù ngân hàng có mong muốn hỗ trợ họ cũng ngại. Bởi nếu doanh nghiệp không phục hồi, không có đủ khả năng trả nợ chuyển thành nợ xấu thì ngân hàng lại bị quy trách nhiệm. Trong khi còn nhiều ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2008-2009 vô hình trung tạo thành gánh nặng đối với họ”, ông Thân nhìn nhận.
Ở góc độ ngân hàng, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, ngân hàng muốn giải ngân nhiều hơn cũng không được vì doanh nghiệp không đủ điều kiện. Do đó, đề nghị các bộ, ngành xem xét lại các điều kiện này cho phù hợp thực tế.
Bất cập nữa được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính chỉ ra đó là phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách hạn chế, chỉ có 11 ngành nghề mà đây là những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn, khả năng thu hồi vốn thấp. Do đó, ông Thịnh đề xuất, rà soát lại các đối tượng và mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất thì mới kỳ vọng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% được cải thiện trong năm 2023.
Ngoài đề xuất mở rộng đối tượng, ông Thịnh kiến nghị xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí... cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay để sử dụng nguồn lực hỗ trợ sao cho hiệu quả. Đồng quan điểm, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp (trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%) sang các chương trình khác khả thi hơn.
Về phía NHNN, bà Hà Thu Giang cho biết, NHNN cũng đã nắm bắt được đầy đủ các thông tin và đang rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất sửa đổi Nghị định 31, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả NHTM cũng như khách hàng. NHNN cũng đã đề xuất và đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án điều chuyển phần không sử dụng hết sang các chương trình khác có khả năng hấp thụ tốt hơn, sử dụng nguồn lực này hiệu quả hơn. NHNN theo dõi sát quá trình triển khai của hệ thống NHTM để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và tối đa nhất cho NHTM cũng như cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục tổ chức những đoàn khảo sát liên ngành có sự tham gia đầy đủ từ các cơ quan ban ngành địa phương, các hiệp hội để nắm bắt thông tin, tình hình triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ hiệu quả, bà Giang nhấn mạnh NHNN rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, hiệp hội ngành nghề truyền tải chính sách kịp thời để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm bắt được đầy đủ thông tin, quy định điều kiện khi tham gia gói hỗ trợ lãi suất này.