Gỡ “nút thắt” phát triển thương mại điện tử
Cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp lẫn khách hàng
Thương mại điện tử đã và đang là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại. Bởi, thương mại điện tử mang đến khả năng mở rộng thị trường, giảm thiểu chi phí quảng cáo tiếp thị, đồng thời doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng ở mọi nơi, không giới hạn về khoảng cách.
Theo ông Võ Văn Khanh, Trưởng Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vai trò của nhà sản xuất lẫn doanh nghiệp dịch vụ thương mại là rất quan trọng. Nhà sản xuất ngoài vai trò là nguồn cung cấp chính các sản phẩm dịch vụ đưa lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng thì doanh nghiệp thương mại khi thông qua nhà sản xuất còn có thể kết nối trực tiếp đến khách hàng…
Ở khu vực miền Trung, Bình Định là một trong những địa phương đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Theo đại diện Sở Công thương tỉnh, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ 93 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, hỗ trợ 40 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử lớn… Ngoài ra, ngành công thương địa phương cũng đã duy trì và nâng cấp website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh khu vực Nam Lào (vietlao.vn) với tính năng song ngữ Việt - Lào. Website góp phần nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu của Bình Định đến các địa phương ở Nam Lào.
Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. Trong đó, về phía doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều khách hàng. Từ đó, dễ dàng mở rộng thị trường, tăng doanh thu, mà không lo đến chi phí thuê mặt bằng, nhân công...
Trong khi đó, đối với người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet. Các “thượng đế” không cần phải đi lại, xếp hàng, chờ đợi như khi mua sắm truyền thống. Chỉ cần một vài thao tác, người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả, chất lượng, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, bên cạnh đó còn có thể thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử... một cách thuận lợi.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử đang trở thành công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được dễ dàng tiếp cận thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc kết nối với các giải pháp thương mại điện tử tiên tiến không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận thị trường trong nước mà còn mở ra những tiềm năng lớn hơn cho hoạt động xuất khẩu…
Việc kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon hay Alibaba góp phần đưa sản phẩm của Bình Định vươn ra thế giới. |
Vẫn còn những “nút thắt”
Với nhiều nỗ lực, chỉ số thương mại điện tử năm 2024 của Bình Định xếp thứ 26/63 tỉnh thành, tăng 2 bậc so với 2023 và đứng thứ 6/15 trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các chỉ số khác cũng cải thiện rõ rệt. Trong đó, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ đứng thứ 15/63 (tăng 4 bậc), trong khi chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng xếp thứ 30/63 (tăng 3 bậc) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp ở vị trí 25/63 (tăng 3 bậc)…
Tuy vậy, trên thực tế tại Bình Định cũng như nhiều địa phương khác thương mại điện tử vẫn còn những “nút thắt”, hạn chế đến sự phát triển. Trong đó, nổi lên là số doanh nghiệp có đội ngũ chuyên trách về doanh nghiệp còn ít. Nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc quản lý website, vận hành trên các sàn thương mại điện tử, phát triển chiến lược marketing, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, là những hạn chế về nguồn nhân lực lẫn hạ tầng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp chưa có đội ngũ chuyên môn đủ mạnh về thương mại điện tử. Điều này, dẫn đến việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba hay Amazon… gặp khó.
Ngoài ra, vấn đề thống kê và quản lý dữ liệu cũng là rào cản. Thương mại điện tử hiện đang diễn ra trên nhiều nền tảng khác nhau, từ các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp đến các mạng xã hội như facebook, zalo, instagram. Việc thiếu cơ chế thống kê cụ thể trên các nền tảng này khiến việc quản lý doanh thu, tỷ trọng và số lượng giao dịch trở nên khó khăn. Điều này, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng cũng như sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.
Được biết, Bình Định phấn đấu đến năm 2030 doanh thu từ thương mại điện tử sẽ chiếm từ 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, khoảng 45% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử... Để đạt được những mục tiêu trên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển thương mại điện tử đang được địa phương đặc biệt quan tâm. Bình Định sẽ tiếp tục xây dựng các kênh phân phối hiện đại và tập trung quảng bá sản phẩm địa phương trên các nền tảng như, shopee, tiktok. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như, Amazon và Alibaba góp phần đưa sản phẩm của Bình Định vươn ra thế giới.
Trong khi đó, về phía ngành Ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn Bình Định cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, tham gia và phát triển thương mại điện tử.