Gỗ xuất khẩu: Chuyển dịch tích cực từ thị trường mới
Công ty TNHH Ý Sanh (tỉnh Bình Dương) vừa ký một hợp đồng với đối tác Ấn Độ, nội dung là cung cấp sản phẩm nội thất phòng ngủ trị giá 50.000 USD kéo dài đến hết quý III/2014. Giá trị hợp đồng không lớn, nhưng đồ nội thất phòng ngủ là lĩnh vực mà các DN ngành gỗ Việt Nam chưa khai thác sâu, hiện sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ ngoài trời. Cho nên, hợp đồng trên mở ra một cơ hội kinh doanh mới, với đối tác mới từ Ấn Độ.
Cung cấp nội thất phòng ngủ mở ra cơ hội kinh doanh sâu cho ngành gỗ Việt
Bà Nguyễn Lệ Hà, Trưởng phòng Kinh doanh của công ty cho hay, phía đối tác Ấn Độ là một DN bán lẻ trang thiết bị nội thất có uy tín. Họ thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tìm gặp trực tiếp DN sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam để đặt hàng, với mục đích tìm đối tác cung cấp tận gốc, giá bán rẻ, không qua trung gian...
Phía đối tác cam kết, sau hợp đồng này, nếu nhà sản xuất Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng hạn, họ sẽ xem xét cách thức hợp tác lâu dài…
Cũng giống như Công ty Ý Sanh, tại tỉnh Bình Dương hiện nay, nhiều DN đã chuyển hướng kinh doanh qua thị trường xuất khẩu mới, thông qua các đối tác là DN có tiềm lực tương đương để hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như trường hợp Công ty TNHH MTV Kim Cát, chuyên sản xuất tranh điêu khắc gỗ mỹ nghệ mới đây có thêm khách hàng từ thị trường Malaysia.
Theo bà Đinh Thị Bích Châu, Phụ trách kinh doanh của công ty, khách hàng Malaysia rất ưa chuộng sản phẩm gỗ mỹ nghệ Việt Nam. Vì hiện nay, nhiều DN chế biến gỗ (kể cả DN nhỏ) đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, cho ra sản phẩm gỗ có mẫu mã đẹp, độ phức tạp trong chế tác cao, đạt yêu cầu kỹ thuật của phía đối tác, giá cả cũng hợp lý. Điều này đang tạo uy tín với khách hàng nhập khẩu và lợi thế của DN chế biến gỗ Việt Nam so với đối thủ Trung Quốc.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường mới như Ấn Độ, Mexico, Phần Lan, Campuchia… đã tăng vượt trội.
Cụ thể, thị trường Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng đến 144%, Mexico tăng 126%, Phần Lan tăng 81,6%... Riêng xuất khẩu đồ gỗ sang Malaysia có xu hướng tăng mạnh trong vài tháng gần đây và Malaysia hiện là quốc gia xếp thứ 13 về kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Nếu tính theo châu lục, các quốc gia đến từ châu Á chiếm ưu thế trong số 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, lũy kế đến tháng 6 đạt tổng kim ngạch trên 981 triệu USD. Các quốc gia Bắc Mỹ xếp vị trí thứ hai với 884,4 triệu USD và vị trí thứ ba thuộc về các quốc gia châu Âu với 204,97 triệu USD...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) thông tin thêm, gỗ là một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của cả nước đạt trên 3 tỷ USD. Cho đến thời điểm này, nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất đến hết năm 2014.
Điều này cho thấy, mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ với kim ngạch 6,5 tỷ USD năm 2014 có khả năng đạt được. Trong đó, thông qua những đối tác mua hàng của DN Việt Nam cho thấy, triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2014 hứa hẹn rất nhiều ở những thị trường mới như Úc, Ấn Độ, Mexico và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Theo Kế hoạch hành động Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay xuất khẩu gỗ của Việt Nam chiếm 4% thị phần thương mại đồ gỗ nội thất thế giới. Dự báo, Việt Nam có thể xuất khẩu đạt từ 15 - 20 tỷ USD giá trị đồ gỗ nội thất trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, hiện thị trường cho ngành chế biến gỗ vẫn còn rất khó khăn, cả xuất khẩu và nội địa.
Đối với thị trường xuất khẩu, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được khẳng định rõ ràng, lại đang chịu xu hướng áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật, nhất là nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu hợp pháp. Trong khi đó, năng lực của DN ngành chế biến gỗ còn yếu, tính hợp tác lỏng lẻo.
Thị trường xuất khẩu còn hẹp, sau hơn 15 năm phát triển, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung ở bốn địa bàn chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Thị trường nội địa thì thiếu kênh phân phối, đang mất dần thị phần ở một số địa bàn quan trọng.
Các hạn chế trên có thể được khắc phục nếu những năm sắp tới đây, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất ký kết, ngành chế biến gỗ hy vọng mở rộng sản xuất và xuất khẩu tới các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Canada… Bởi, gỗ và đồ gỗ nằm trong diện cắt giảm thuế suất trong khối nước TPP.
Thanh Trà