Gỗ xuất khẩu vẫn đối mặt nhiều nút thắt
Gỗ xuất khẩu: Chuyển dịch tích cực từ thị trường mới Ngành gỗ xuất khẩu vẫn bứt phá |
Những tín hiệu tích cực ban đầu
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2% và lâm sản ngoài gỗ đạt 580 triệu USD, giảm 15,4%, theo thông tin từ Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). “Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của khối doanh nghiệp trong nước và FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2022”, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết là do lạm phát tăng cao tại một số quốc gia nhập khẩu lâm sản chính của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU… khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Tuy nhiên, ông Lập cũng cho biết, đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, bao gồm cả thị trường Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP quý I/2023 (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố hồi tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích. Điều này đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn.
Cùng với đó, tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. “Dự báo, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại”, ông Lập nói.
Để đáp ứng với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế, các doanh nghiệp gỗ đã và đang xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các hội chợ triển lãm trong ngành để giới thiệu sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị ngành gỗ, phụ kiện... nhằm kết nối và thu hút khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường trọng điểm để mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong ngành gỗ, tạo kênh phân phối nhằm tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng ở các thị trường này.
Nhưng vẫn còn nhiều nút thắt
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc yêu cầu tuân thủ các quy định tại các thị trường nhập khẩu đang ngày càng cao và khắt khe hơn.
Hiện nay, việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên tới thời điểm này, việc xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, nên rất khó trong quá trình xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất khẩu.
Trong khi đó, Nhật Bản yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu Đức thường yêu cầu cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC...
Liên quan đến chứng nhận xuất xứ, một số tỉnh, thành phố đã xử lý bằng cách áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu, vùng xa không thể cập nhật các công nghệ. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị cần thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành để trao đổi, giới thiệu các chứng chỉ quản lý rừng quốc gia của Việt Nam, đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.