Gói 120.000 tỷ đồng: Ngân hàng chờ được cho vay
Không thiếu vốn, chỉ thiếu dự án
Những ngày qua, hình ảnh hàng nghìn người dân xếp hàng dài dưới thời tiết oi bức để bốc thăm giành quyền mua gần 150 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được dư luận rất quan tâm. Câu chuyện thiếu nguồn cung nhà ở xã hội lại nóng hơn bao giờ hết. Theo số liệu Bộ Xây dựng cập nhật đến ngày 19/5, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội với quy mô 157.000 căn, tổng diện tích 8 triệu m3 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án nhà ở xã hội, kể cả loại dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đích tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 vẫn còn rất xa, cần nhiều nỗ lực.
Hướng tới mục tiêu này, NHNN đã được giao chủ trì triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chủ lực là 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các NHTM nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ; thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.
Nhận được rất nhiều kỳ vọng, được ví như cú hích đối với thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng, thế nhưng qua hai tháng, dù ngân hàng đã chuẩn bị nguồn lực triển khai, nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ, mà nguyên nhân là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, vướng mắc lớn nhất đó là chưa có dự án cho vay. Còn ông Lê Ngọc Lâm –Tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho hay, hiện Bộ Xây dựng đã giao cho các tỉnh công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở danh mục đó, ngân hàng mới tiếp cận để triển khai cho vay nên quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian.
Việc triển khai dự án nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc |
Nhận định chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được NHNN đưa ra là động thái tích cực và có lợi cho thị trường bất động sản, thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, gói tín dụng này đã được thiết kế rất phù hợp về mặt lãi suất đối với chủ đầu tư cũng như thời gian hưởng ưu đãi. Tuy nhiên việc gói tín dụng này vẫn chưa thể giải ngân là do chưa có dự án để cho vay. Vướng mắc chính nằm ở khâu pháp lý, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cần sự chung tay của nhiều bộ ngành
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ, ngân hàng cũng mong muốn sớm giải ngân được cho các đối tượng. Tuy nhiên thực tế, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn, vốn ngân hàng chỉ là một phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hơn nữa, vướng mắc hiện nay nằm trong quy định, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất, ưu đãi thu hút nhà đầu tư… “Cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, để tăng thanh khoản cho thị trường, khi có nguồn cung thì dòng vốn cho nhà ở xã hội sẽ được khơi thông”, bà Giang đề xuất.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, hiện rất khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, vướng mắc đầu tiên là việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội, nhưng đây là quy định khá cứng nhắc. Cụ thể, trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí “đất vàng” hoặc đặc thù như resort thì việc bố trí quỹ đất này để phát triển nhà ở xã hội là không phù hợp; hoặc các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60 - 80 triệu/m2 thì bản thân việc bố trí người thu nhập thấp, chỉ phải chịu tiền vận hành cũng khó khăn. Ông Hưng cho biết, hiện nay mới đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, là vướng mắc ở thủ tục đầu tư; nhóm chính sách xác minh đối tượng, điều kiện được thụ hưởng nhà ở xã hội; chính sách hỗ trợ chủ đầu tư…
Để khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực này, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, trong thời gian tới, trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại; đồng thời rà soát, bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết. “Ngoài ra, có một thực tế đó là trong qua trình triển khai, các doanh nghiệp gặp khó khăn về diện tích đất công nằm xen kẹt dạng “xôi đỗ” trong phạm vi ranh giới dự án nhà ở, nhà ở xã hội, dẫn đến rất khó để thu hồi, giao đất. Vì vậy thủ tục giải phóng mặt bằng cần có quy định giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, ông Thành chia sẻ thêm.
Trả lời trước Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng và một số địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như tỉnh Bình Định, Phú Thọ, Trà Vinh…, dự kiến sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật. Cụ thể, tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để triển khai hiệu quả thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.