Gọi đầu tư vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam
Tham dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; Đại sứ quán của một số quốc gia tại Việt Nam; các bộ, ngành liên quan; đại diện 13 tỉnh, thành phố có dự án đi qua; các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính đặc biệt là sự tham gia của khoảng 150 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về dự án; quy trình sơ tuyển; yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo quy định pháp luật; những thông tin cần thiết về môi trường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017 thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trước mắt sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT.
Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
“Hồ sơ mời thầu 8 dự án cao tốc đã được ban hành, bất kỳ nhà đầu tư trong nước và quốc tế nào cũng có thể tiếp cận nghiên cứu nhằm tạo điều kiện tối đa tham gia dự án; các tiêu chí được nghiên cứu kỹ lưỡng tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế; bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Theo ông Nhật, đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư của toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai công tác thiêt kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương có tuyến đi qua.
Để đảm bảo việc triển khai tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, được sự chấp thuận của Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Giao thông vận tải đã huy động 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young tham gia hỗ trợ Bộ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...
Theo Bộ Giao thông vận tải, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư BOT, thay vì 10-12% như trước đây. Quy định này nhằm đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính.
Số còn lại là vốn vay và vốn nhà nước hỗ trợ (nhà nước hỗ trợ khoảng 40% tổng vốn đầu tư). Vốn nhà nước sau khi ưu tiên cho giải phóng mặt bằng, phần còn lại sẽ được giải ngân sau khi nhà đầu tư đã giải ngân được 50% vốn của nhà đầu tư và bắt đầu giải ngân vốn vay.
Công nghệ do nhà đầu tư áp dụng, nếu sử dụng công nghệ hiện đại giúp giảm chi phí, phần chênh lệch nhà đầu tư sẽ được hưởng và ngược lại.
Mức giá dịch vụ giai đoạn khởi điểm là 1.500 đồng/xe/km, tăng dần đến 3.400 đồng/xe/km. Dự kiến tháng 8/2019 sẽ công bố kết quả sơ tuyển, tháng 10 thông báo mời thầu, tháng 3/2020 công bố kết quả đấu thầu, và ký hợp đồng BOT dự án vào tháng 4/2020 để nhà đầu tư thực hiện dự án.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ kết nối với một số đoạn cao tốc hiện có như Pháp Vân - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dầu Giây - TP.HCM…