Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Tạo mọi điều kiện, nhưng không hạ chuẩn
Gỡ cơ chế để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng “thoát ế” Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Giải ngân đúng mục tiêu, đối tượng, hiệu quả |
Tích cực triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng
Ngày 12/3, tại Hà Nội, NHNN tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó các TCTD rất quan tâm đến thị trường bất động sản.
Bằng chứng là, năm 2023 dư nợ nền kinh tế tăng 13,71%, trong đó thị trường bất động sản dù rất trầm lắng và khó khăn nhưng tín dụng vẫn tăng được 12,1%. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là sự cố gắng của ngành Ngân hàng.
Riêng đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc thông tin, hiện nay 4 NHTM Nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng; Gần đây, có thêm TPBank đăng ký gói 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng gói này có quy mô 125.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm 1,5 - 2 %/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của 4 NHTM Nhà nước.
Phó Thống đốc cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, không phải là vốn tín dụng chính sách. Điều này cho thấy các NHTM đã thể hiện trách nhiệm trong việc quyết liệt triển khai gói tín dụng này dù phải giảm lãi suất cho vay, chia sẻ lợi nhuận của mình với các doanh nghiệp khác là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Chia sẻ cụ thể hơn về tình hình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó có 30 dự án có nhu cầu vay vốn; các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác. Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định đã được ngân hàng tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cũng như phổ biến điều kiện để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với gói tín dụng này. Mặt khác, do những giới hạn về tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại khác.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV khẳng định, ngân hàng rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Ngay khi NHNN có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến chi nhánh trong toàn hệ thống, nhưng còn nhiều thủ tục vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiếp cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đang gặp khó khăn do khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án… Với người mua nhà, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, để vay vốn… Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giảm rất nhiều so với trước Covid-19 do việc làm, thu nhập sụt giảm...
Đề nghị mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chia sẻ, tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh các dự án nhà ở xã hội rất ít, thời gian thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này đề nghị các địa phương cần giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, từ đó giải ngân vốn mới nhanh.
Đại diện CTCP Đức Mạnh tại Đà Nẵng cũng cho rằng, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Đại diện doanh nghiệp mong muốn ngân hàng xem xét giảm mức lãi suất xuống thấp hơn nữa để doanh nghiệp mặn mà với việc vay vốn.
Về phía ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm đề nghị, cân nhắc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội để có thể tạo động lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Bởi lẽ, thực tế hiện nay điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội khá khắt khe, nên đối tượng đáp ứng được rất hạn chế. Do đó, chủ đầu tư chưa mặn mà triển khai vì thiếu đầu ra. Còn các ngân hàng cũng quan ngại vì liệu có cho vay đúng đối tượng không.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với nhiệm vụ Chính phủ giao mục tiêu của năm 2024 là hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa mục tiêu và giao cho tất cả các địa phương trên cả nước để thực hiện; Đồng thời, yêu cầu khẩn trương phê duyệt, dành quỹ đất, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, giao đất, giải phóng mặt bằng… để hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong thời gian tới. “Với mục tiêu như vậy, thì nguồn lực về vốn là rất cần. Bộ Xây dựng rất mong thông qua hội nghị này, NHNN chỉ đạo các NHTM cố gắng xem xét, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ triển khai dự án. Điều này vừa hướng tới mục tiêu tạo nơi ở cho người dân có thu nhập thấp, về lâu dài, đây cũng là một giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh”, ông Sinh nhận định.
Về phía mình, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất có một gói hỗ trợ bằng nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, mang tính chất lâu dài, giúp người dân được vay với lãi suất ưu đãi.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng cần thông cảm, chia sẻ với nhau, từ đó tạo nên mối quan hệ cộng sinh để có thể cùng phát triển. Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Thống đốc cho rằng, việc bên vay mong muốn giảm lãi suất là rất đúng, nhưng phải phù hợp và hài hòa. Nếu các NHTM huy động thấp thì lãi suất cho vay sẽ thấp. Nhưng lãi suất không thể thấp đến mức người gửi tiền không muốn gửi, ngân hàng không huy động được, từ đó sẽ không có vốn để cho vay. Vì vậy, Phó Thống đốc mong muốn, các doanh nghiệp hiểu rõ gói tín dụng này, xác định rằng để phát triển dự án, nguồn vốn ngân hàng chỉ là hỗ trợ, các doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực của mình, tăng cường năng lực tài chính của dự án, tính khả thi của dự án. Như vậy ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn.
Dưới góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tích cực triển khai gói tín dụng này. Trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình tới các khách hàng với các thông tin đầy đủ, chi tiết, rõ ràng để khách hàng nắm bắt đúng, đủ. Ngoài ra, NHTM chủ động phối hợp với khách hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan tại địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần chủ động làm việc với các cơ quan tại địa phương để nắm bắt thông tin về các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn. Phó Thống đốc cũng yêu cầu NHNN chi nhánh có đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến từ doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ.
“Quan điểm cho vay, giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy có thể kéo dài thêm một vài năm, cho nên không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Tuy nhiên dự án nào đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và khẳng định, nguyên tắc tín dụng kể cả cho vay đối với nhà ở xã hội là không hạ chuẩn. Ngân hàng có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian, ưu đãi lãi suất nhưng phải đảm bảo thu hồi nợ, an toàn vốn.