Góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng
Như chúng ta đã biết, sự kiện ghi dấu ấn lịch sử quan trọng nhất đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, đó là ngày 6/5/1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm cho hoạt động ngân hàng. Người luôn dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngân hàng, Người đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên, chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: Chí công, Vô tư, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khăn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Người đã chỉ rõ: “ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà” nhưng cũng “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người yêu cầu mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc.
Đầu những năm 90, hàng loạt các hợp tác xã tín dụng đổ vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng; mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ năm 1997 ở châu Á đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt nam. Trước thực trạng đó, Bảo hiểm Tiền gửi (BHTG) Việt Nam ra đời thực thi nhiệm vụ được Chính phủ giao là bảo vệ đại đa số người gửi tiền, hướng đến đối tượng là những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin về hoạt động ngân hàng.
Khác với các loại hình bảo hiểm khác, BHTG Việt Nam là một định chế tài chính đặc biệt do Chính phủ thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động của BHTG Việt Nam nhằm đưa chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Đảng và Nhà nước ta vào cuộc sống. Chính vì vậy, Luật BHTG năm 2012 đã quy định: “Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BHTG Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và là tổ chức duy nhất tại Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi. Trong suốt quá trình đó, BHTG Việt Nam luôn bám sát định hướng của ngành Ngân hàng, tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo thực hiện các mục tiêu chính sách công nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Đến nay, BHTG Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tín dụng, bao gồm: 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô; tham gia hỗ trợ xử lý, chủ động chuẩn bị các phương án chi trả tiền bảo hiểm. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, công tác tổ chức và nhân sự của BHTG Việt Nam đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Đội ngũ nhân sự cấp cao và cơ cấu tổ chức của BHTG Việt Nam đã được kiện toàn, ổn định.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”, vậy nên “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một công việc rất quan trọng và rất cần thiết” và “Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”; quán triệt Nghị quyết của Đảng về xây dựng nguồn lực con người là trọng tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững, Đảng ủy, Ban lãnh đạo BHTG Việt Nam luôn quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập của BHTG Việt Nam. BHTG Việt Nam đã từng bước xây dựng được một bộ máy hoạt động hiệu quả với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp tốt.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ nội lực để vững bước trong giai đoạn phát triển mới, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành Ngân hàng trong thời gian tới, BHTG Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BHTG Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện; đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với tinh thần đó, trong thời gian tới, hoạt động của BHTG Việt Nam tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên;
2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tin tưởng giao phó, trong đó có các nhiệm vụ chính:
- Tổng kết Luật BHTG: Nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của BHTG Việt Nam phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực của BHTG Việt Nam để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
- Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển BHTG Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Phát triển BHTG Việt Nam theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ người lao động, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
- Tiếp tục hoàn thiện Đề án phí BHTG phân biệt và Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm: Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất chính sách xây dựng Đề án phí BHTG phân biệt theo rủi ro áp dụng đối với tổ chức tham gia BHTG; triển khai Đề án điều chỉnh hạn mức BHTG phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Triển khai đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của BHTG Việt Nam theo quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào các hoạt động nghiệp vụ: Tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; Triển khai có hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề đồng thời xây dựng phương án và chuẩn bị chi trả tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật; Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; Đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn; Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đến công chung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
BHTG Việt Nam tin rằng, với quyết tâm của tập thể đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống, BHTG Việt Nam sẽ từng bước nâng tầm đổi mới mô hình, tăng cường vai trò, chức năng của BHTG Việt Nam tiến tới xây dựng một định chế tài chính đa năng trong các lĩnh vực BHTG, đầu tư tài chính, trực tiếp tham gia cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, giám sát và là công cụ chính sách hữu hiệu góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng.