Hà Nội chủ động kích cầu tiêu dùng nội địa
Những tháng cuối năm là thời điểm kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh và thường mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên năm nay, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội cho hay, thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, từ nay đến hết năm 2020, ngành Công thương Hà Nội sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện, hoạt động như: Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với hơn 50 tỉnh, thành phố vào cuối tháng 11; Tháng khuyến mại tập trung vào tháng 11; Tuần lễ cam sành và sản phẩm OCOP Hà Giang dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới đây…
Sở cũng đã bố trí 28 điểm (gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo bà Trần Thị Phương Lan, đây là những giải pháp thiết thực, một mặt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” |
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn, có khả năng tập trung, phát tán luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu, còn lại vẫn phải khai thác từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu. Nhất là trong những tháng Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân còn tăng cao hơn bình thường, tăng từ 3%-20% theo từng nhóm hàng. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng cũng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân thành phố ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho thị trường Hà Nội, triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết, thành phố Hà Nội đã ký kết với 44/63 tỉnh, thành phố trên cả nước để xúc tiến thương mại, công nghiệp, nông nghiệp một cách đồng bộ, đổi mới, hiệu quả qua từng năm. Thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung-cầu với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020 là hoạt động thường niên hết sức có ý nghĩa trong việc chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, đảm bảo cung cầu của thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, đặc biệt trong các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Đặc biệt trong năm 2020, Hội nghị là hoạt động hết sức thiết thực để thực hiện nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng nội địa và nằm trong Chương trình phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Bộ Công thương với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
“Tôi rất vui mừng được chứng kiến sự có mặt của hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành trong cả nước, hơn 100 đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng và lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan của gần 40 địa phương đã tham dự Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố và chuỗi sự kiện Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2020”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ.
Cùng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công thương kỳ vọng Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua về công tác kết nối cung - cầu và bình ổn thị trường. Mặt khác, thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng hướng tới tiêu dùng xanh vào các hệ thống bán lẻ. Các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương có cơ hội lắng nghe, trao đổi, thảo luận, truyền đạt kinh nghiệm và có những đề xuất, giải pháp hữu ích, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.