Hà Nội: Giao dịch biệt thự và liền kề chủ yếu đến từ Long Biên và Gia Lâm
Giá bán căn hộ tăng
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Phòng Kinh doanh bất động sản nhà ở của Savills Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, trong quý III/2019, 11 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 9 dự án cung cấp khoảng 8.100 căn, tăng 23% theo quý và 17% theo năm. Nguồn cung sơ cấp giảm -5% theo quý nhưng tăng 8% theo năm đạt 29.700 căn. Hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 67% thị phần. Gia Lâm và Long Biên dẫn đầu số lượng căn bán
Giá bán sơ cấp tăng với mức giá toàn thị trường tăng 1% theo quý và 3% theo năm. Hạng A có mức tăng giá theo năm cao nhất đạt 18% phần lớn do mức giá bán cao của các dự án mới tung bán. Số lượng bán giảm -1% theo quý nhưng tăng 50% theo năm. Khu vực phía Đông có số lượng căn bán được cao nhất trong quý với 40% thị phần.
“Phân khúc cao cấp tiếp tục thu hút nguồn cầu tốt với giá bán sơ cấp tăng, mang đến tăng trưởng vốn hấp dẫn cho những người tham gia sớm”, ông Dương Đức Hiển chia sẻ.
Dự báo trong quý IV/2019, khoảng 15.800 căn hộ từ 10 dự án sẽ được mở bán |
Động lực cho thị trường nhà ở được hỗ trợ bởi dân số vàng và triển vọng kinh tế tích cực. Hà Nội chứng kiến tốc độ tăng trưởng dân số đạt 2,2% trong thập kỷ vừa qua, với khoảng 120.000 trẻ em ra đời và 80.000-100.000 người nhập cư mỗi năm.
Giới siêu giàu Việt Nam được dự báo tăng với tốc độ 10% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023, cao thứ tư thế giới.
Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới. Việt Nam cũng được dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7% mỗi năm trong các năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 10.400 USD vào năm 2030.
Dự báo trong quý IV/2019, khoảng 15.800 căn hộ từ 10 dự án hiện tại và tương lai sẽ được mở bán. Nguồn cung tương lai mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Các huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ cung cấp tổng cộng 30% nguồn cung tương lai.
Từ năm 2020 trở đi, các chủ đầu tư nước ngoài, bao gồm Sumitomo, CapitaLand và Mitsubishi Corporation sẽ bắt đầu chào bán sản phẩm tại nhiều dự án…
Nguồn cung mới biệt thự và liền kề hạn chế
Tuy nhiên, nguồn cung mới biệt thự và liền kề lại tương đối hạn chế. Theo sau sự bùng nổ của nguồn cung vào quý II/2019, trong quý III/2019, chỉ có hai dự án mới mở bán cung cấp cho thị trường khoảng 70 căn, giảm -95% theo quý và -72% theo năm.
Theo lý giải của lãnh đạo Savills Việt Nam, đó là do tháng 7 Âm lịch trùng với thời điểm quý III nên quý này thường có lượng căn tung bán thấp nhất trong năm.
Gia Lâm tiếp tục dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với khoảng 20% thị phần.
Báo cáo của Savills Việt Nam cũng cho rằng thị trường biệt thự, liền kề vẫn đầy hứa hẹn cho các quý tiếp theo với tỷ lệ hấp thụ trong quý đạt 41%, tăng 10 điểm % theo năm.
Các dự án có chủ đầu tư uy tín, đưa ra các sản phẩm thiết kế đẹp và chú trọng đầu tư các tiện ích tiếp tục thu hút được khách hàng. Lượng giao dịch lớn nhất đến từ quận Long Biên và huyện Gia Lâm với hơn nửa tổng lượng giao dịch trong quý này.
“Thị trường phía Đông có lượng giao dịch lớn nhất do hạ tầng cải thiện cùng khoảng cách gần hơn tới khu vực trung tâm so sánh với thị trường phía Tây đã hình thành và phát triển”, ông Dương Đức Hiển cho biết.
Sự thay đổi trong giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đến từ sự thay đổi trong việc phân bổ nguồn cung sơ cấp từ các dự án đang bán. Nguồn cung tồn từ chủ đầu tư có giá bán cao hơn so với giá trung bình kéo theo giá sơ cấp toàn thị trường tăng. Giá thứ cấp trung bình toàn thị trường ổn định, tăng 0,5% theo quý cho biệt thự, 2,4% theo quý cho liền kề, và 3,2% theo quý cho nhà phố thương mại.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, có khoảng 6.000 doanh nghiệp bất động sản được thành lập, tăng 5,8% theo năm. Từ quý IV/2019, có hơn 130 dự án biệt thự, liền kề từ 18 quận/huyện sẽ được hình thành. Nguồn cung tương tai chủ yếu nằm ngoài khu vực trung tâm Hà Nội.
Giá thuê văn phòng tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung khoảng 1,8 triệu m2, tăng 3% theo quý and 10% theo năm với 59.000 m2 được thêm từ sáu dự án mới, hầu hết thuộc Hạng B (56%), theo sau là Hạng A (36%). Các dự án mới nằm tại khu vực Nội thành và phía Tây. Phía Tây chào đón dự án Hạng A đầu tiên sau năm năm.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại của Savills Việt Nam cho hay, tỷ lệ trống thấp của Hạng A cùng hoạt động kinh doanh vững chắc đang đặt ra nguồn cầu lớn đối với các tòa nhà văn phòng hiện tại - điều này không khỏi khiến giá thuê tăng lên.
Các khách thuê kinh nghiệm đang có nhu cầu thuê tại các dự án văn phòng chất lượng cao hơn trong chu kỳ cho thuê tiếp theo. Giá thuê trung bình tiếp tục tăng 1% theo quý và 4% theo năm và đạt mức cao kỷ lục sáu năm.
Phân khúc Hạng B và khu vực phía Tây ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất. Công suất thuê giảm -2 điểm % theo quý và -2 điểm % theo năm do sự gia nhập của các dự án mới. Các dự án mới Hạng B có giá thuê cao hơn mức trung bình của thị trường cũng như cơ sở vật chất mới hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, diện tích cho thuê thêm đạt 107.000 m2 và tích cực trên tất cả các Hạng. Hà Nội có 20.562 doanh nghiệp mới, tăng 9% theo năm, với số vốn là 263,8 nghìn tỷ, tăng 28% theo năm. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (70%) và nhỏ (29%); tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ dự kiến ngày càng tăng sẽ thúc đẩy nguồn cầu đối với không gian văn phòng quy mô nhỏ và sáng tạo.
Co-working đang ngày càng phổ biến với nhiều thương hiệu khác nhau như Regus, Up, Toong, Cogo, Tiktak, CEO Suite, Dreamplex và WeWork.
Đến cuối năm 2021, nguồn cung mới khoảng 205.000 m2 dự kiến sẽ gia nhập, chủ yếu ở nội thành. Các quận Ba Đình và Đống Đa đang dần được coi là khu kinh tế chính với nhiều các tòa nhà văn phòng lớn và hiện đại.
Nhờ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống tàu điện ngầm và các tuyến đường chính, khả năng kết nối với các khu vực thương mại khác (Trung tâm và phía Tây), khu vực này đang chứng kiến nguồn cung tiện ích ngày càng tăng như dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe và tập thể thao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, khu vực Trung tâm không kỳ vọng thêm dự án nào mới trong tương lai gần.