Hạ tầng - cú hích cho thị trường bất động sản miền Tây
Bất động sản miền Tây hưởng lợi từ loạt hạ tầng trọng điểm |
Theo ông Ngô Hoàng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), do địa hình nên hạ tầng giao thông của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế, vì vậy khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nguyên, nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án giao thông quy mô lớn đã và đang được khởi động tại khu vực này.
Cụ thể, đầu năm 2023, Thủ tướng đã phát lệnh khởi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, có đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối đến cảng Trần Đề) dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 6 này; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá dài gần 100 km cũng đã được tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ cho khởi công trong năm 2023; theo kế hoạch, trong năm nay tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được đưa vào sử dụng; dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng sẽ được nâng cấp trước năm 2024.
Như vậy, nếu các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ đầu tư được đưa vào sử dụng thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có gần 600 km đường bộ cao tốc.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông miền Tây sẽ tạo kết nối không gian vùng với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới.
Việc kết nối và giao thương của các địa phương tại miền Tây trước đây gặp nhiều khó khăn vì các tuyến giao thông lớn chưa rút ngắn được thời gian di chuyển và tạo sự thuận tiện trong giao thương, do đó chưa thu hút được các nhà đầu tư ở các khu vực trọng điểm giao thương về đầu tư tại miền Tây, bởi thị trường chỉ tập trung được ở các bất động sản có vị trí lõi của từng vùng, từng địa phương như trung tâm thành phố, thị trấn, huyện...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Broland Miền Tây, hiện với việc đưa vào xây dựng và khai thác các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng thì sẽ có nhiều không gian mới để phát triển, đặc biệt các bất động sản ở các vị trí kết nối mới, nhằm phát triển kinh doanh buôn bán và dịch vụ.
Đồng thời các bất động sản khu công nghiệp, bất động sản phục vụ logistics, kho bãi… sẽ được tăng cường mở rộng, không chỉ giải quyết thêm công việc của địa phương mà còn gia tăng giá trị sử dụng đất.
“Thời gian tới, với hàng loạt các cú hích về đầu tư cơ sở hạ tầng từ các tuyến cao tốc chính, lớn, cải tạo mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, chắc chắc đây sẽ là điểm nhấn đáng giá và là cơ hội lớn cho bất động sản tại miền Tây”, ông Nguyễn Văn Hùng tin tưởng.
Theo ông Hùng, thay vì trước đây các nhà đầu tư địa phương sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc đầu tư, nắm giữ các bất động sản thì khi kết nối giao thông, hạ tầng mới sẽ tạo nhiều cơ hội mới, khu đô thị mới cho các nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các địa phương khác đầu tư vào khu vực miền Tây, các khu vực là nút giao mới cho các kết nối giao thông.
Đặc biệt, mạng lưới cao tốc mới giúp kết nối đa trục, vươn tới các trọng điểm kinh tế của khu vực miền Tây.
Hiện nay, các nhà đầu tư lớn, uy tín cũng đã đầu tư tại thị trường miền Tây như Vingroup, T&T, Novagroup, Trần Anh, Cát Tường, DIC, Nam Long… đều có các khu đô thị tại miền Tây. Do đó, khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trên chính khu vực miền Tây, giúp giữ chân người lao động và hạn chế được việc di dân tìm công việc ở các khu vực khác, từ đó tạo nên nhu cầu nhà ở mới cấp thiết hơn.
Theo ông Đính, hạ tầng được chú trọng đầu tư sẽ gia tăng dung lượng thị trường, tỷ lệ đô thị hóa và số lượng các khu kinh tế lớn ở vùng này, cũng đồng nghĩa với tăng trưởng việc làm, tăng trưởng dân số và lao động. Tăng trưởng kinh tế mạnh chắc chắn sẽ tạo tăng trưởng lực cầu đầu tư và nhu cầu của thị trường bất động sản khu vực miền Tây.
Những phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản miền Tây như nhà ở đô thị, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, bất động sản bán lẻ... chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới.