Hài hòa lợi ích các bên trong xử lý nợ xấu
Luật hóa Nghị quyết 42 để phát huy hiệu quả xử lý nợ xấu Xử lý nợ xấu: Tạo động lực để phát triển nền kinh tế Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 |
TS.Châu Đình Linh |
Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã tác động thế nào đến công tác xử lý nợ xấu, thưa ông?
Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu như tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay thông qua tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay. Qua đó giúp cho tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, dù việc triển khai Nghị quyết 42 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó những hạn chế thấy rõ. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu do bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác; và xuất phát từ quá trình thực thi, từ các quy định tại các luật hiện hành, một số quy định tại Nghị quyết 42 không áp dụng được trên thực tế, cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù của nhà nước mới xử lý được.
Tại Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này, Ban soạn thảo đã đề xuất luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42. Ông nhận định thế nào về đề xuất này?
Như tôi đã nói, với các vướng mắc trên, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 sẽ tạo hành lang pháp lý và nâng cao tính hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu. Bởi những vướng mắc trên liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)... Khi Luật hóa Nghị quyết 42 tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tại Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Quy định về thu giữ tài sản đảm bảo đã chi tiết hơn. Cụ thể, khi quy định việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn với thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ thì TCTD mới thu giữ tài sản đảm bảo đó và xử lý tài sản đảm bảo đó để thu hồi nợ. Việc quy định rõ về xử lý tài sản đảm bảo là một nỗ lực rất lớn của NHNN nhằm hài hoà lợi ích của ngân hàng và người vay tiền.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình việc xem xét thông qua dự thảo Luật trong hai kỳ họp và cũng có một số đại biểu cho rằng nên thông qua trong 3 kỳ họp. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Nghị quyết 42 được gia hạn đến ngày 31/12/2023, nên nếu dự thảo Luật phải đến 3 kỳ mới được thông qua thì sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng. Theo tôi, NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, điều chỉnh sao cho hợp lý với tình hình thực tế để Luật này được sớm thông qua. Bởi lẽ, hiện nay, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Năng lực tài chính doanh nghiệp suy giảm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Dự báo tình hình nợ xấu sẽ có chiều hướng tăng. Ngoài ra, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nợ xấu luôn tiềm ẩn trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy, phải nhanh chóng có một khung pháp lý hoàn thiện xử lý vấn đề này. Nếu không luật hóa quy định xử lý nợ xấu mà lại quay trở về áp dụng Luật trước đây để làm căn cứ pháp lý áp dụng trong hoạt động xử lý nợ xấu sẽ lại tiếp tục lúng túng và chồng chéo. Theo đó nợ xấu lại dồn ứ, gây ách tắc vốn đầu tư vào nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!