Hàng Việt bỏ quên thị trường Halal
Trong buổi làm việc giữa cộng đồng doanh nhân Malaysia và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh, một câu chuyện được các DN Malaysia đặt ra, đó là nền công nghiệp thực phẩm Halal dự báo có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021 và người theo đạo Hồi chi khoảng 580 tỷ USD/năm để mua thực phẩm có chứng chỉ hợp chuẩn người Hồi giáo (Halal). Trong số các nước Hồi giáo trên thế giới có nhiều thị trường trọng điểm cho hàng xuất khẩu Việt Nam như Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Malaysia, Indonesia…
Ảnh minh họa |
Theo ông Jamie Haniff Ramlee, Giám đốc Trung tâm Đầu tư bang Selangor, Malaysia, “Halal” có nghĩa là “hợp pháp” và hiện khái niệm này được mở rộng đến mọi khía cạnh của lối sống Hồi giáo, bao gồm các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và dinh dưỡng. Một sản phẩm được coi là “Halal” khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn uống Hồi giáo. Thực phẩm Halal không đơn giản là thực phẩm không chứa thịt lợn mà bao gồm cả việc áp dụng các quy trình liên quan đến giết mổ, xử lý, chế biến các loại gia súc gia cầm khác như gà, vịt, bò, dê, cừu… và hải sản, các quy trình này cũng phải tuân thủ các quy định đối với thực phẩm Halal.
Đơn cử, nhiều người vẫn nghĩ hải sản là thực phẩm Halal, nhưng không hoàn toàn vậy, nếu người nuôi hải sản bằng thức ăn không phải Halal, thì sản phẩm tạo ra không phải là thực phẩm Halal. Đây chính là lý do mà hiện nay, DN Malaysia luôn cẩn trọng và hạn chế nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam, mặc dù người Malaysia tiêu thụ hải sản nhiều. Mặt khác, DN xuất khẩu của Việt Nam gần như chưa chú trọng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal.
Dân số Hồi giáo hiện nay vào khoảng 1,8 tỷ người trên 112 quốc gia và dự kiến sẽ tăng lên đến 2,2 tỷ vào năm 2030, chiếm 26% dân số thế giới. Ngoài Trung Đông, Đông Nam Á là khu vực có 40% dân số là người Hồi giáo. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng thuộc Văn phòng chứng nhận Halal (HCA) Việt Nam cho biết, chỉ riêng trong khối ASEAN đã có nửa dân số là người Hồi giáo và ngành công nghiệp Halal đang trở thành ngành quan trọng, có tiềm năng to lớn, DN Việt Nam cần hết sức quan tâm để sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn Halal để tiếp cận thị trường này. Trong các nước có cùng thế mạnh xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm ở khu vực châu Á, thì Việt Nam gần như bỏ ngỏ thị trường Halal (do người theo đạo Hồi chiếm tỷ lệ rất ít ở Việt Nam). Trong khi đó, các nước khác như Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei và Thái Lan có nền công nghiệp Halal rất phát triển. Cụ thể như Thái Lan đã đầu tư chuyên biệt để cải thiện chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn Halal và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sau 3 năm, đến nay Thái Lan đã ở trong TOP 5 thế giới về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal, với tổng giá trị trên 5 tỷ USD/năm.
Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn, trong đó, nhiều sản phẩm phù hợp gu tiêu dùng của người Hồi giáo như, rau quả, hạt điều, thủy hải sản, cà phê... Tuy nhiên, do các DN chưa chú trọng đăng ký chứng nhận Halal nên còn rất hạn chế khi xuất khẩu vào các nước đông người theo đạo Hồi trong khu vực như Malaysia, Indonesia… Điểm khó nhất của DN Việt khi thâm nhập thị trường Halal là do tiêu chuẩn Halal của mỗi nước mỗi khác, không đồng nhất, nên DN Việt thấy khó và lúng túng khi áp dụng từng bộ tiêu chuẩn riêng.