Hàng Việt trước thách thức về thuế carbon
Rào cản mới với xuất khẩu
Vừa qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí thải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Hơn 20 quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023.
TS. Hà Huy Tuấn - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, khi đó các nhà xuất khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Điều đó đồng nghĩa, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống báo cáo với EU, tính toán sơ bộ mức phí xả thải theo giá tham chiếu tại thị trường EU.
Chính sách kiểm soát "net zero" đang là thách thức lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới |
Những chính sách trên cũng đang ảnh hưởng lớn tới quyết định mới từ các nhà mua hàng. Ví dụ điển hình nhất là ngành dệt may. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 250 thương hiệu lớn trên thế giới đã công bố lộ trình sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn được trong quá trình phát triển của họ từ nay đến năm 2050.
Các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Trong đó nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.
Bên cạnh đó, số người tiêu dùng sẵn sàng chi mức giá cao hơn cho các sản phẩm dệt may bền vững cũng đang tăng lên do nhận thức về tiêu thụ bền vững để bảo vệ môi trường ngày càng cao. Điều này đặt ra các áp lực lớn trong đổi mới theo hướng sản xuất xanh.
Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu mới đây của Tập đoàn McKinsey chỉ ra rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; và 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Bên cạnh câu chuyện của khách hàng và thị trường thì nhiều quốc gia cũng đã thể chế hóa vấn đề này thành những yêu cầu luật pháp. Ở châu Âu có thỏa thuận xanh “Green new” đặt ra các mục tiêu đến 2030-2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm.
Cần khuyến khích sản xuất xanh
Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có giải pháp để chuyển hướng sang sản xuất xanh nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Tuy vậy, thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay với bài toán trên, khái niệm này vẫn đang rất khó hiểu với nhiều doanh nghiệp.
Một khảo sát cũng cho thấy, chỉ khoảng 11% doanh nghiệp được hỏi nắm rõ nội dung về cơ chế CBAM, 53% doanh nghiệp không biết về nội dung này, 37% doanh nghiệp có nghe nhưng không nắm rõ.
Còn theo đại diện Vinatex, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh thì thách thức đầu tiên là công nghệ. Thứ hai là giá thành, vì tất cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất xanh đều khá đắt đỏ, trong khi mặt bằng giao dịch trên thị trường chưa tương xứng. Những doanh nghiệp sản xuất xanh hiện nay đang có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất thông thường. Vậy nên, cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức này để đáp ứng được yêu cầu và không bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.
Để doanh nghiệp có đủ nguồn lực chuyển đổi cho sản xuất xanh thì cần tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến sản xuất xanh. Trong đó chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.