Hành động vì chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham quan không gian triển lãm. |
Tham dự hội thảo, triển lãm có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, NAPAS, đại diện một số ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ quốc tế và một số công ty công nghệ…
Sau 4 năm tổ chức thường niên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ vui mừng khi sự kiện Ngày không tiền mặt luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự hợp tác của các cơ quan báo chí, truyền thông, các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan và sự hưởng ứng của đông đảo người dân, công chúng. Sự kiện này đã khẳng định được dấu ấn, tạo sức lan tỏa rộng, qua đó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền tới công chúng về thanh toán không dùng tiền mặt, nêu bật những lợi ích, thúc đẩy và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội thảo "Chuyển đổi số để hướng đến xã hội không dùng tiền mặt". |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ cho biết, nếu như vài năm trước, thanh toán không tiền mặt chỉ dừng ở việc chuyển khoản hoặc quẹt thẻ thì đến nay, nhờ sự phát triển kỳ diệu của công nghệ thanh toán, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, thông qua hàng loạt các ứng dụng đã có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch thanh toán.
Đồng thời, cơ chế chính sách cũng như các quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã được các cơ quan chức năng dần hoàn thiện và đồng bộ, là nền tảng để thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt trong mọi lĩnh vực phát triển vượt bậc thời gian qua.
Bên cạnh sự phát triển của công nghệ và sự hoàn thiện về chính sách, vai trò của các cơ quan truyền thông cũng góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không tiền mặt đến với nhiều người tiêu dùng.
Bàn về các giải pháp chuyển đổi số hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng cho biết, NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của Ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh, an toàn lợi ích cho người dân. Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 mà NHNN đặt ra là 50-70% nghiệp vụ ngân hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…
Bên cạnh đó, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy, tạo điều kiện chuyển đổi số, trong năm qua, NHNN ban hành 2 Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử, cho phép người dân trong điều kiện giãn cách nhưng vẫn mở tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán bình thường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết.
Là một đơn vị tích cực góp phần hiện thực hóa các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa. Từ năm 2020, việc đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điện kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng và tránh xa tín dụng đen. Điện thoại thông minh là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản ngân hàng, tài khoản mobile money...
Các đại biểu, khách mời thảo luận tại Hội thảo. |
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Thế Vinh cho biết, các chiến lược chuyển đổi số xác định thanh toán số là một trong những nền móng quan trọng để xây dựng hình ảnh kinh tế số, xã hội số đạt mục tiêu phát triển thanh toán số đối với phổ cập tài chính toàn diện. Thanh toán số trở thành tự nhiên, mặc định trong giao dịch hàng ngày của đại đa số người dân Việt Nam.
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với NHNN cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm mobile money. Năm 2022, mục tiêu là đưa toàn bộ hoạt động của người dân lên môi trường số nên dự kiến có hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập đến hơn 100% xã, phường trên cả nước.
Đặc biệt, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã nghiên cứu các thiết bị để có thể ứng dụng thẻ căn cước công dân vào các hoạt động của ngành Ngân hàng như xác thực chủ thẻ căn cước công dân tại quầy thông qua thiết bị đối sánh sinh trắc học có trong thẻ căn cước công dân gắn chip với sinh trắc học của chủ thẻ, hay sử dụng thẻ căn cước công dân để rút tiền, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng như thẻ ATM do ngân hàng phát hành, thực hiện một số giao dịch, thanh toán tại các ATM của ngân hàng. Kết quả bước đầu cho thấy, việc tích hợp các giấy tờ (bảo hiểm y tế, thẻ ATM,…) trên căn cước công dân góp phần tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian và an toàn, bảo mật.
Từ những nỗ lực trên, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả đó được minh chứng bởi những thông tin, số liệu cụ thể; hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới với chi phí hợp lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt.