Hệ thống hồ chứa Việt Nam thiếu quy trình vận hành chuẩn, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi phát biểu tại diễn đàn |
Hồ chứa vẫn còn nhiều ẩn họa
Phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới”, ngày 19/11/2024, ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định.
Song, tình hình vận hành các hồ chứa hiện nay đang đặt ra nhiều lo ngại, mặc dù có tới 1.883 hồ chứa, nhưng chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành đầy đủ. Điều đáng báo động hơn là phần lớn các hồ chứa hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào dự báo thời tiết để vận hành, trong khi hệ thống đo mưa trên lưu vực lại rất hạn chế.
Sau cơn bão số 3 vừa qua, số hồ hư hỏng lên tới 68 hồ, cho thấy hệ thống hồ chứa của chúng ta đang rất dễ bị tổn thương trước các diễn biến bất thường của thời tiết. Thêm vào đó, nhiều quy trình vận hành đã quá cũ kỹ, không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Việc vận hành các hồ chứa có hoạt động dân sinh và hạ du bị ngập cũng gặp nhiều khó khăn, đặt ra thách thức lớn cho công tác đảm bảo an toàn.
Theo ông Lương Văn Anh, về tiêu chuẩn thiết kế đập, hồ chứa, trong khuôn khổ dự án WB, tuỳ theo số hộ dân bị đe doạ ở hạ du, 446 hồ chứa đã được thiết kế có tính đến tần suất lũ kiểm tra (0,1% ÷ 0,01%) được áp dụng theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cơ bản các hồ chứa thủy lợi chỉ được thiết kế theo quy chuẩn Việt Nam với tần suất phổ biến (1,0 ÷ 0,1%).
"Như vậy, với điều kiện mưa lũ cực đoan như hiện nay, các hồ chứa chưa được thiết kế với tần suất lũ theo thông lệ quốc tế sẽ có nguy cơ mất an toàn hồ đập cao hơn khi có lũ lớn, vượt tần suất thiết kế, tần suất kiểm tra", ông Lương Văn Anh cho hay.
Ông Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho hay, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm nên nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Nhiều hồ chứa được chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế. Hơn nữa, một số hồ lớn đã được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa được đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án đảm bảo an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du. Hành lang thoát lũ ở hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không đảm bảo thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ.
Ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả quản lý hồ thủy lợi
TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình “có chủ”, đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.
Cần sớm đưa các giải pháp công nghệ trong việc vận hành liên hồ chứa |
Theo TS Hoàng Văn Thắng, an toàn đập cần gắn với an toàn hạ du, cụ thể là xây dựng hệ thống cảnh báo, hệ thống bản đồ ngập lụt và dựa vào cộng đồng. Song song đó, chúng ta cần nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo về mưa lũ, đặc biệt là khả năng xuất hiện mưa bão cường độ cao, hay sự dịch chuyển thời gian mưa. Đảm bảo an toàn đập phải gắn với khái niệm quản lý lũ theo lưu vực sông, quản lý vận hành liên hồ chứa, quản lý vận hành thời gian thực.
Để nâng cao hiệu quả quản lý hồ thủy lợi, hệ thống vận hành thông minh đang được đề xuất, ông Hà Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty KIV cho biết, việc sử dụng công nghệ số và các hệ thống hỗ trợ trong quản lý hồ chứa là bước tiến quan trọng. Công ty đã áp dụng toàn bộ kỹ thuật và tiêu chuẩn của Nhật Bản để tăng độ chính xác trong tính toán và vận hành, chuyên môn hóa dự báo, nhằm phục vụ dự báo nước mưa về hồ trước khi có cơn lũ.
Hệ thống Hỗ trợ Vận hành hồ chứa (HNT) là công cụ quan trọng giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước và đóng vai trò thiết yếu trong việc điều tiết lũ, giảm thiểu xả thừa và tối ưu hóa hoạt động của các công trình thủy lợi, thủy điện. Với khả năng vận hành cột nước cao nhằm giảm suất tiêu hao, điều tiết lũ an toàn và áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, hệ thống hỗ trợ vận hành hồ chứa mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Theo ông Hà Ngọc Tuấn: “Không chỉ xây dựng và phát triển các kịch bản ứng phó với thiên tai, hệ thống hỗ trợ vận hành hồ chứa có thể đưa ra các dự báo có độ chính xác cao về lũ lụt, hạn hán, hay các biến động khí hậu khác. Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa, hỗ trợ vận hành hồ chứa không chỉ giúp ứng phó nhanh chóng với các tình huống khẩn cấp mà còn nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên nước bền vững trong dài hạn”.
Theo ông Nguyễn Đức Quang - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): "Hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ dữ liệu để cập nhật được thông tin mưa lũ từ khu vực biên giới đổ về. Đây được coi là trở ngại lớn trong việc dự báo lưu lượng nước đến các hồ chứa vào mùa mưa lũ”. Ông Nguyễn Đức Quang cho rằng, việc vận hành các hồ chứa đa mục tiêu trên hệ thống sông Hồng là bài toán rất phức tạp, bởi phụ thuộc vào nhiều số liệu đầu vào, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật...