Hiện thực hóa quyết tâm để kinh tế phục hồi
Ông Nguyễn Minh Cường |
ADB rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay một phần là do độ bao phủ của vắc-xin cao, việc chuyển hướng kiểm soát dịch bệnh linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, thương mại xuất nhập khẩu kỳ vọng tiếp tục gia tăng, đà phục hồi diễn ra ở tất cả các khu vực, các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng tiếp tục được thực hiện và đặc biệt là thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi. Trong khi đó, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch cũng kỳ vọng sự trở lại mạnh mẽ của ngành dịch vụ. Nên tôi tin với đà phục hồi tốt từ quý I vừa qua và ví dụ, nếu mức độ giảm nhanh của số ca nhiễm mới trong những ngày đầu tháng 4 được duy trì, trong khi độ phủ của vắc-xin tiếp tục được nâng lên nữa sẽ tạo đà phục hồi toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Nhưng cùng với triển vọng khả quan, những thách thức cũng xuất hiện. Trước hết, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát?
Áp lực lạm phát đang lớn hơn và đến cả từ yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo. Về sức cầu, nhu cầu trong nước chưa thực sự phục hồi nhất là trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 còn ở mức cao. Trong khi đó, tác động từ chi phí đẩy đến lạm phát cũng đã thể hiện trong thời gian qua, song cũng chưa thực sự rõ nét do độ trễ tác động. Tuy nhiên cùng với thời gian, đặc biệt nếu giá dầu tiếp tục biến động ở mức cao, giá cả các hàng hóa khác cũng neo ở mức cao và sức cầu trong nước mạnh hơn thì tác động đến lạm phát sẽ rõ ràng hơn từ quý II tới. Mặc dù vậy về cơ bản, như ADB dự báo mới đây, lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát dưới 4%. Cụ thể là mức 3,8% cho năm nay và 4% trong năm tới.
Rất nhiều nhận định cho rằng, các thách thức chính với kinh tế Việt Nam hiện nay đến từ các bất định bên ngoài, như xung đột Nga- Ukraine. Điều đó tác động thế nào đến triển vọng của kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Xung đột Nga - Ukraine có thể tác động đến kinh tế Việt Nam qua một số kênh. Thứ nhất, qua quan hệ thương mại song phương nhưng không lớn nên hầu như không đáng kể . Thứ hai, tác động đến quan hệ thương mại xuất khẩu của Việt Nam đối với các nền kinh tế đối tác lớn như EU, Mỹ. Xung đột này có thể làm giảm tăng trưởng của các nền kinh tế này, khiến nhu cầu giảm và do đó có thể tác động gián tiếp đến Việt Nam. Thứ ba là tác động qua lạm phát bởi sẽ khiến thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục biến động, đặc biệt là với thị trường xăng dầu, từ đó gây ra sức ép nhất định đến giá cả, lạm phát trong nước.
Vậy ở trong nước, liệu có rủi ro gì không?
Tất nhiên, các rủi ro trong nước cũng không ít. Trong đó, dù dịch bệnh được kiểm soát những vẫn là rủi ro. Ví dụ, nếu số ca nhiễm mới hàng ngày trở lại mức cao như trong những tháng đầu năm nay thì có thể gây trở ngại cho việc quay lại trạng thái bình thường để tập trung cho phục hồi kinh tế. Hay tuy thị trường tài chính vẫn tương đối ổn định, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện rủi ro. Ví dụ trong năm 2021, tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam có mức tăng khá nhanh so với các nước khác trong ASEAN. Trong khi đó, nợ xấu gia tăng cũng là một rủi ro khác trong trung hạn.
Vậy theo ông, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đóng vai trò thế nào?
Vai trò của Chương trình này rất quan trọng. Nếu gói hỗ trợ này được thực hiện nhanh và hiệu quả thì sẽ có tác động rất mạnh đến phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ liệu việc thực hiện Chương trình này có nhanh và hiệu quả hay không.
Chúng ta thấy rằng Việt Nam đã và đang có quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện Chương trình này. Ví dụ, ở tầm Chính phủ liên tục khẳng định phải thực hiện nhanh, nhưng tại sao vẫn chưa thông được trong các khâu thực hiện bên dưới. Có lý do sợ trách nhiệm hay còn lý do gì khác, ví dụ như những quy định về mặt cơ sở pháp lý hay cơ chế phối hợp giữa các bên còn chỗ nào chưa rõ ràng… Nên câu chuyện là vừa phải có quyết tâm chính trị cao, vừa phải làm rõ các vấn đề vướng mắc để quyết tâm chính trị đó được thực hóa ở các cấp dưới một cách mạnh mẽ nhất, có như vậy Chương trình mới triển khai được nhanh và mang lại hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ, trong Chương trình này thì đầu tư công là một cấu phần lớn nhất và quan trọng nhất. Nhưng vấn đề giải ngân đầu tư công của Việt Nam thì từ trước đến nay luôn có vấn đề. Mặc dù các thủ tục liên quan đến đầu tư công đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn cần phải làm sao phải nhanh hơn nữa, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, đơn giản về mặt thủ tục và đẩy mạnh phối hợp. Nếu như không tiếp tục tăng cường đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng như tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thì sẽ tiếp tục làm chậm trễ quá trình giải ngân đầu tư công.
Chúng ta có thể tính rất đơn giản như thế này: Đối với một dự án đầu tư công trung bình phải mất khoảng 2 năm mới hoàn thiện được các thủ tục và khâu chuẩn bị, sau đó mới bắt đầu tiến hành triển khai được. Cá biệt có những dự án có khi phải kéo dài đến 5 năm. Tuy nhiên trong bối cảnh này, Chương trình đặt mục tiêu khung thời gian trong vòng 2 năm đã phải thực hiện được các dự án. Tất nhiên với những dự án được phê duyệt từ trước rồi thì ngay trong năm đầu này là có thể giải ngân được. Nhưng với những dự án mà bây giờ mới lập danh mục đầu tư, thì để đáp ứng được mục tiêu của Chương trình đồng nghĩa với quá trình chuẩn bị thủ tục phải rút ngắn xuống đáng kể, ví dụ trong một năm phải hoàn tất thì đến năm thứ hai mới giải ngân để hoàn thành được. Nên đây là một mục tiêu và yêu cầu rất thách thức.
Vậy giải pháp là gì, thưa ông?
Thách thức như vậy nên càng phải đẩy nhanh triển khai. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu và nguyên vật liệu cũng đang tăng rất cao nên nếu không đẩy nhanh được thì hiệu quả mang lại sẽ giảm đi. Giải pháp thì vẫn trở lại vấn đề cần đơn giản hóa các thủ tục để khâu chuẩn bị nhanh hơn; đồng thời đẩy mạnh khâu phối hợp giữa các bên. Bên cạnh đó, các vấn đề vẫn luôn gai góc đối với đầu tư công lâu nay như giải phóng mặt bằng cần được thúc đẩy nhanh. Có được mặt bằng sạch để dự án thực hiện được nhanh vừa là thách thức rất lớn, nhưng cũng sẽ mang lại hiệu quả lớn nếu làm được.
Xin cảm ơn ông!