Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo quyền hợp pháp của hội viên
Đổi mới toàn diện hoạt động
Ngày 15/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ nhất nhiệm kỳ VII (2020 – 2024), trong bối cảnh cả nước và ngành Ngân hàng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực đẩy mạnh các mặt hoạt động, kinh doanh đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị thường niên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – Chủ tịch HĐTV Agribank phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, thời gian qua, trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động đổi mới toàn diện các mặt công tác, chấn chỉnh lại tác phong, lề lối làm việc, với quyết tâm cao, Hiệp hội Ngân hàng vừa tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII, đồng thời nỗ lực, xử lý kịp thời những công việc phát sinh, hoàn thành một khối lượng lớn công việc, được các cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên (TCHV) đánh giá tích cực.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TCHV, có rất nhiều văn bản kiến nghị gửi các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đánh giá, xử lý tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV và nhiều đề xuất, kiến nghị đã được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm giải quyết, hỗ trợ tạo điều kiện cho các hội viên an tâm triển khai các hoạt động.
Hỗ trợ thiết thực cho các TCHV trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề liên quan đến khởi kiện và thi hành án,... thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo,... để tạo điều kiện cho các hội viên chia sẻ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp xử lý.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hiệp hội đã thể hiện sự đồng hành, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn của các TCHV, đồng thời kêu gọi các TCHV thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Công tác phát triển hội viên cũng được chú trọng, quan tâm đến số lượng đi cùng chất lượng hội viên mới.
Hoạt động truyền thông của Hiệp hội được kiện toàn, đổi mới, nắm bắt nhanh và kịp thời những vấn đề mới, tăng cường lượng bài viết có chất lượng, tính thực tiễn cao, phản ánh kịp thời khó khăn vướng mắc, tình hình hoạt động, những việc làm được của TCHV nhằm tuyên truyền, bảo vệ, nhân rộng gương điển hình và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với Hiệp hội Ngân hàng các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Đồng thời đang khởi động quá trình gia nhập Hiệp hội Ngân hàng Châu Á.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, thành viên Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, thành viên Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực, xử lý kịp thời nhiều công việc phát sinh, hoàn thành xuất sắc khối lượng lớn công việc, điển hình như tham gia, góp ý có chất lượng đối với 3 Luật, 5 Nghị định, 16 Thông tư và nhiều văn bản liên quan khác.
Tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi, tham gia ý kiến hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng như: Tổ chức họp lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; Tọa đàm “Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa án và thi hành án”;
Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đã thu hút gần 7.000 đại biểu tham dự; Phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp xử lý trong thời gian tới”; Phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng”.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có báo cáo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 gửi Ngân hàng Nhà nước, trong đó tập trung phản ánh các khó khăn, vướng mắc làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; Báo cáo và đề xuất, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giải quyết những vướng mắc, bất cập của các TCTD trong triển khai thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn lộ trình chuyển đổi thẻ, liên thông thanh toán QR, phát triển hệ sinh thái tiêu dùng, bổ sung tính năng lợi ích của thẻ Chip nội địa đáp ứng nhu cầu của chủ thẻ và xem xét áp dụng cơ chế Chip liability shift để đảm bảo đối xử công bằng giữa các ngân hàng trong việc chuyển đổi Chip chuẩn VCCS; Gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, của TCHV trong việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng đã gửi văn bản và tổ chức họp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp xử lý vướng mắc trong quản lý tài sản đảm bảo là xe ô tô tại ngân hàng, hướng dẫn xử lý vướng mắc khi quét QR code trên căn cước công dân có chip và đã nhận được ý kiến phản hồi. Kịp thời có những động thái, giải pháp tích cực hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của hội viên trước các cơ quan tư pháp, thông qua các văn bản kiến nghị với các tòa án, viện kiểm sát xem xét xử lý một số vụ việc của các TCHV.
Đẩy mạnh hoạt động của 2 ủy ban chuyên môn (Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ) và các tổ chức trực thuộc (Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng; Chi hội Thẻ; Câu lạc bộ Fintech; Câu lạc bộ AMC) trong việc phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng và hỗ trợ giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên sâu. Cải tiến giao diện, nâng cao chất lượng Tạp chí và Trang tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng...
Về công tác phát triển hội viên, đã tổ chức Lễ kết nạp và trao Giấy chứng nhận hội viên đối với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Về công tác đào tạo, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đã tổ chức chương trình đào tạo, hội thảo theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho khoảng 500 lượt người tham dự trực tiếp và gần 300 người tham dự trực tuyến.
Nâng cao vị thế, đóng góp tích cực thành công của Ngành
Chia sẻ thêm về giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các TCHV trong quá trình hoạt động, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, giải quyết. Đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn tại Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án và những hồ sơ vướng mắc, khó khăn khi xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm đã được tổng hợp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội nghị |
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo: Giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại bản án kinh doanh thương mại liên quan đến hoạt động ngân hàng dưới góc nhìn của Viện Kiểm sát; hội thảo đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các cuộc tọa đàm góp ý về dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT- NHNN, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 52/2018/TT-NHNN...
Đặc biệt, đầu tuần này, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức làm việc với 16 TCTD bàn phương án đồng thuận về việc giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới của khách hàng theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.
Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, như Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)…
Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc; Tổ chức Đại hội Câu lạc bộ Fintech nhiệm kỳ II; Chuẩn bị tổ chức Đại hội Chi hội Thẻ, Câu lạc bộ Pháp chế; Tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của các đơn vị trực thuộc và 2 ủy ban chuyên môn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng, tăng cường đăng tải, cập nhật các tin, bài trên Tạp chí giấy, Tạp chí điện tử và Trang tin điện tử, phản ảnh kịp thời tình hình hoạt động của Hiệp hội và của các TCHV, chú trọng các vấn đề thời sự, nổi lên được dư luận quan tâm, những khó khăn, vướng mắc của các TCHV cần có sự thấu hiểu, chia sẻ từ công chúng và sự quan tâm, tháo gỡ của các cơ quan chức năng… là những giải pháp được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... và Thống đốc NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP, trong đó Hiệp hội Ngân hàng được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cần phải triển khai và phối hợp triển khai thực hiện. Cùng với việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, nâng cao vị thế, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động chung của ngành.