Hiệu quả bước đầu từ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Cần kiểm soát chặt thương mại điện tử Hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử an toàn Rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn vào năm 2023 |
Thương mại điện tử của Việt Nam trong 10 năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ |
Thị trường liên tục được mở rộng
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ từ 16-30%/năm. Doanh thu bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan; dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy TMĐT nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Theo dữ liệu của nền tảng dữ liệu TMĐT Metric, trong quý vừa qua, người Việt cũng "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến, vượt xa dự báo của các sàn. Tính chung 5 sàn lớn nhất gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, tổng doanh thu bán lẻ quý I/2024 đã cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng đến 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng, tăng 83,21%. Dự báo, doanh số thị trường TMĐT 2024 sẽ tăng khoảng 35% so với 2023.
Sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT trong thời gian qua đã và đang đặt ra những thách thức mới đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế. Đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Tại buổi cung cấp thông tin về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tổ chức vừa qua, Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận định, TMĐT đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành thuế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Hiện ngành thuế tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng và phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động TMĐT theo 2 nhóm chính là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước và cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế với thu nhập nhận được từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, thì mới đây Tổng cục thuế cho biết, đã đề nghị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cung cấp thông tin về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử |
Hiệu quả quản lý tăng theo từng năm
Nhờ nhiều giải pháp nêu trên, trong 2 năm qua ngành thuế đã thu tổng cộng 180.000 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này đã lên tới 3,5 triệu tỷ đồng (tương đương 146 tỷ USD), trong đó, số thuế đã thu được là 97.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (khoảng 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình…), tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế , tổ chức đường dây nóng 24/7, thực hiện truyền thông qua các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế sẽ ban hành thư ngỏ gửi tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT về việc kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế. Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch TMĐT Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.
Ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Ngành Thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực TMĐT thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Theo đó, ngành thuế đã áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử theo 8 nhóm nền tảng gồm: nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử; website/ứng dụng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; nền tảng đại lý; nền tảng thuê bao; nền tảng quảng cáo; nền tảng kho ứng dụng.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính. Cụ thể, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước bao gồm chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác.