Hiệu quả tín dụng chính sách với vùng dân tộc thiểu số
Cán bộ NHCSXH Trà Vinh tận tình hướng dẫn bà con đồng bào DTTS các thủ tục vay vốn |
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có các chính sách đặc thù cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và tín dụng chính sách xã hội qua NHCSXH đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, toàn tỉnh có 64 xã, thị trấn có đồng bào DTTS thì vốn tín dụng ưu đãi đang giúp tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS hàng năm đạt từ 3 - 4% và đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Trà Vinh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,2% tổng số hộ dân.
Một trong những điển hình thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi là hộ gia đình anh Thạch Hoài Phong và chị Lê Thị Ngọc Rạng, người đồng bào Khơ-me, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Không chỉ trở thành hộ thoát nghèo mà anh chị còn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Anh Phong kể: Lần đầu tiếp cận vốn NHCSXH, gia đình anh được vay 8 triệu đồng chương trình làm nhà ở theo Nghị định 167. Sau khi có nhà để “an cư”, gia đình anh vay vốn ưu đãi để lập nghiệp với số tiền 25 triệu đồng. Nhờ cần cù chịu khó, với số tiền vay trên anh Phong, chị Rạng đầu tư trồng mỗi năm 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu trên diện tích 5 công đất, nên chỉ sau vài năm gia đình đã thoát nghèo. “Có bột mới gột lên hồ”, khi đã có lưng vốn anh Phong, chị Rạng đầu tư mua được máy gặt, mỗi vụ gặt thuê được khoảng hơn 600 công đất, thu lãi 50 triệu đồng.
Theo thống kê của NHCSXH Trà Vinh, tính đến nay, doanh số cho vay các chương trình dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2.737 tỷ đồng, với gần 208 ngàn lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn; doanh số thu nợ 2.001 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 2.522 tỷ đồng, với 125.416 hộ vay còn dư nợ, trong đó số hộ DTTS đang vay các chương trình tín dụng còn dư nợ là 927 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn, với 43.889 hộ vay còn dư nợ. Hầu hết các hộ DTTS vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả được nợ vay, dư nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,29%.
Với cơ chế hỗ trợ từ “cho không” sang “cho vay”, từ cho vay không lãi đến cho vay có lãi suất rất ưu đãi; mức vay hợp lý và tăng dần qua từng giai đoạn, thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tín dụng chính sách xã hội đã giúp đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, chuyển biến về nhận thức, tính toán cách làm ăn, tiếp cận dần với cơ chế thị trường, giúp đồng bào DTTS tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng dần vị thế trong xã hội. Mặt khác, tín dụng chính sách xã hội phát triển rộng khắp đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS.
Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS; qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn, củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS còn những khó khăn, đó là kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn chậm phát triển, cơ sở hạ tầng hạn chế, giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; vẫn còn một số hộ lúng túng trong việc sử dụng vốn vay. Ngoài ra, kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp nhưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng nông sản thiếu ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi mang lại hiệu quả hơn nữa với hộ đồng bào DTTS, các tổ chức hội đoàn thể của Trà Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn Nhà nước thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, rà soát xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách tín dụng đặc thù cho vùng miền, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiệu quả công tác giảm nghèo là kết quả tác động, lồng ghép nhiều chính sách, nguồn lực, do đó cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ và việc phân bổ nguồn vốn phải đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, với định mức phù hợp theo từng giai đoạn, giúp bà con vùng DTTS được tiếp cận nguồn vốn liên tục, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo tốt hơn.