Hộ khẩu và nỗi buồn người lao động nhập cư
Hệ lụy không hộ khẩu
Không có hộ khẩu thường trú (HKTT) khiến những lao động nhập cư bị coi là công dân hạng 2 và họ bị ngăn cách với những dịch vụ xã hội cơ bản. Nhưng họ cũng không thể nhập khẩu bởi rất nhiều đòi hỏi và rào cản. Đây là một trong các phát hiện chính theo báo cáo nghiên cứu Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) công bố mới đây.
Chuyên gia khuyến nghị cần có những cải cách mạnh mẽ hơn đối với hệ thống hộ khẩu |
Gia đình của ông Thành đã sinh sống ở quận Thanh Khê Tây, TP. Đà Nẵng và đã tạm trú ở đây được hơn 10 năm. Gia cảnh nghèo khó, ông là công nhân phải nuôi mẹ già đã 75 tuổi lại ốm đau luôn, vợ thất nghiệp, con còn nhỏ. Dân phố đồng tình để gia đình ông hưởng chế độ trợ cấp hộ nghèo của Nhà nước bởi không có hộ khẩu. Mà nhập hộ khẩu thì lại không đủ quy định.
Không hộ khẩu, không được nhận trợ cấp hộ nghèo dù rất nghèo, cũng không cấp thẻ bảo hiểm y tế tại nơi đang cư trú. Ngược lại dù đã không ở quê nhà 10 năm nay, nhưng hộ khẩu vẫn còn đó nên mẹ ông lại được cấp bảo hiểm y tế ở Quảng Nam. Vậy là 2 tuần một lần, mẹ con ông Thành lại lần hồi về quê cũ ở Quảng Nam để khám bệnh theo bảo hiểm y tế. Việc phải đưa mẹ về quê khiến ông cảm thấy rất bi quan và có lỗi.
Theo báo cáo này, có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát (gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông) không có HKTT ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú), trong đó có 36% dân cư ở TP. Hồ Chí Minh và 18% ở Hà Nội.
Theo ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia của WB, không có hộ khẩu tại nơi đang ở, trẻ con phải đi học dưới dạng trái tuyến, không được ký hợp đồng cung cấp điện, nước chính chủ, không đăng ký được xe máy… và hộ khẩu đang làm hạn chế khả năng thay đổi địa vị xã hội của các thế hệ tương lai.
“Nghiên cứu này chỉ ra rằng hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam… Cần phải cải cách” - ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam khuyến nghị.
TS. Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) cho rằng, các nhà quản lý chính quyền địa phương cần có cái nhìn khác đi, theo hướng tạo điều kiện cho người dân – dù người nhập cư hay không nhập cư đều được tiếp cận các quyền của họ.
Muốn như vậy thì không nên chỉ nhìn người nhập cư vào các thành phố, đô thị sẽ tạo gánh nặng về hạ tầng (như sử dụng điện, nước, y tế, chỗ ở… tăng lên) hay gây mất trật tự an ninh mà cần nhìn thấy tác động tích cực của họ trong đóng góp vào kinh tế của địa phương.
Những quy định ăn theo hộ khẩu
Hộ khẩu chỉ là xác nhận cư trú. Nhưng hộ khẩu đang được lạm dụng. Đăng ký xe máy, điện thoại… cũng cần hộ khẩu. Trung bình các thủ tục yêu cầu phải xuất trình sổ hộ khẩu được niêm yết tại Văn phòng UBND cấp phường, xã lên tới con số 20 có lẻ.
Theo đó, tất tật từ khai sinh, khai tử, xác minh hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất, xác nhận sơ yếu lý lịch, xác nhận tình trạng hộ nghèo… hay thậm chí đến kiểm tra đề nghị thanh toán chi phí tang lễ/chôn cất cũng cần đến hộ khẩu.
“Tại sao mà cái gì cũng phải dựa vào hộ khẩu, con đi học cũng hộ khẩu, khám chữa bệnh cũng hộ khẩu …?” TS. Hanh đặt ra hàng loạt câu hỏi dù chính bà cũng thừa nhận, hộ khẩu hiện nay vẫn cần thiết trong một số thủ tục.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, hệ thống hộ khẩu vẫn cần duy trì. “Nhưng duy trì để làm gì thì cần làm rõ, chứ không phải dùng hộ khẩu để làm thủ tục giải quyết cho cả trăm thứ khác nhau như cách đây 50 năm” – GS. Cử khuyến nghị.
Theo ông Gabriel Demombynes - Chuyên gia của WB, thực tế thời gian vừa qua Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện hệ thống hộ khẩu nhưng cần có thêm nhiều cải cách hơn nữa để đảm bảo sự bình đẳng cơ hội cho tất cả người dân.
Báo cáo trên cũng đưa ra hai hướng lớn để cải cách hệ thống hộ khẩu (và hai lựa chọn này không có tính loại trừ lẫn nhau): Đó là giảm bớt khó khăn khi đăng ký HKTT để đây sẽ không còn là rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ. Đó là loại bỏ những khác biệt trong việc tiếp cận dịch vụ giữa những người đăng ký tạm trú và thường trú.
Việc này có thể phần nào đạt được thông qua áp dụng một số biện pháp dịch vụ cụ thể cùng với việc làm rõ và thực thi các quy định hiện hành. Người dân có thể đăng ký bảo hiểm y tế ở nơi họ cư trú thay vì ở nơi cũ.
Hay những yêu cầu về đăng ký thường trú trong việc tuyển dụng công chức Nhà nước cũng cần được bãi bỏ, và những quy định khác như trong đăng ký xe máy cũng cần được mở rộng áp dụng đối với cả đối tượng đăng ký tạm trú.