Hộ nghèo nông thôn, dân tộc thiểu số ít nhận được hỗ trợ từ chương trình cứu trợ COVID-19
Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện nhiều đợt khảo sát đánh giá tác động của COVID-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khảo sát này tập trung vào các khía cạnh: thu nhập hộ gia đình, tình trạng việc làm và tiếp cận trợ giúp từ chính phủ.
WB nhận định, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng có một vài dấu hiệu khả quan hơn tại Việt Nam. Kể từ khi công bố dịch hồi tháng 2, Chính phủ đã thi hành nhiều chính sách hiệu quả và hành động sớm để giảm thiểu tác động của đại dịch.
Đến nay Việt Nam đã thành công trong việc duy trì số ca lây nhiễm và tử vong ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác. Và kinh tế có dấu hiệu phục hồi khi số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập đã giảm.
Theo kết quả khảo sát đợt 1 thì trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 6, có tới 70% số hộ gia đình bị giảm thu nhập. Nhưng, kết quả khảo sát đợt 2 cho số hộ gia đình có mức thu nhập tháng 7-8 giảm so với tháng trước đó chưa đến 30%. “Tỷ lệ này cho thấy kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục”, theo WB.
Trong số các hộ gia đình bị giảm thu nhập, khoảng 40% cho biết mức thu nhập hộ gia đình của họ giảm ít nhất 50% so với tháng trước đó. Một số (1,3% tổng số hộ gia đình) cho biết họ bị mất thu nhập hoàn toàn.
Giảm thu nhập có xu hướng tập trung vào cùng nhóm đối tượng. Các hộ gia đình bị giảm thu nhập trong vòng 2 nhiều khả năng cũng đã bị giảm thu nhập trong vòng 1. Điều này cho thấy một số nhóm dân số nhất định gặp khó khăn trong thời gian dài hơn và sẽ cần được hỗ trợ trọng tâm hơn.
Nguồn giảm thu nhập với phần lớn hộ gia đình là giảm thu thập từ tiền lương và tiền công, lớn gấp đôi so với số hộ bị giảm thu thập do mất việc làm. Mặc dù mức thu nhập đang dần ổn định hơn với rất nhiều hộ gia đình, trên một nửa số hộ vẫn có mức thu nhập giảm trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lý do dẫn đến mức thu nhập hộ gia đình giảm thể hiện sự khác biệt trong hoạt động kinh tế giữa các nhóm. Ví dụ, với các hộ gia đình thành thị, việc giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh hộ gia đình là lý do chính.
Trong khi đó, tỷ lệ các hộ gia đình nông thôn bị gián đoạn trong hoạt động canh tác, dẫn đến thu nhập giảm, cao gấp 3 lần so với khu vực thành thị
Mức thu nhập từ hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp giảm, mức độ đầu tư ban đầu có thể bị ảnh hưởng - và dẫn đến gián đoạn trong hoạt động canh tác. Các tín hiệu về giá thực phẩm cho thấy nông nghiệp là ngành không bị ảnh hưởng nhiều
Cuộc khảo sát này cho biết phần lớn các doanh nghiệp gia đình vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng một phần nhỏ đang gặp khó khăn. Số lượng các doanh nghiệp gia đình dừng hoạt động cũng tăng lên trong khảo sát Vòng 2.
Tỷ lệ doanh nghiệp gia đình phải dừng hoạt động đã tăng lên, mặc dù phần lớn doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động. Trong vòng 1, 95% doanh nghiệp gia đình vẫn hoạt động, trong khi con số này ở Vòng 2 là 90%.
Đáng lưu ý tỷ lệ số người tiếp nhận bảo trợ xã hội từ các chương trình cứu trợ COVID-19 vẫn còn thấp. Trong số những người nộp đơn đề nghị hỗ trợ, hộ nghèo, dân số nông thôn và cộng đồng dân tộc thiểu số ít có khả năng nhận được phúc lợi từ các chương trình mới này. Theo kết quả khảo sát, trong khoảng 13% số hộ nộp đơn đề nghị hỗ trợ từ tháng 2, chỉ 2,3% nhận được hỗ trợ trong tháng 7/8.
Phần lớn các hộ gia đình vẫn đang tiếp nhận trợ cấp từ các chương trình bảo trợ xã hội hiện có. Tuy nhiên, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch không nhất thiết là những hộ gia đình có điều kiện sống thấp nhất, vốn đã nhận được bảo trợ xã hội; thực tế, đa phần số hộ nộp đơn xin hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ do COVID-19 đều là ở khu vực thành thị.
“Ngoài những đối tượng thụ hưởng hiện tại, cần tiếp tục đánh giá, xác định những nhóm dân số dễ bị tổn thương mới”, WB lưu ý.