Hỗ trợ tăng trưởng: Cần thêm các chính sách đồng hành cùng tín dụng, lãi suất
Giảm lãi suất là mong muốn của cả ngân hàng và khách hàng Giảm lãi suất điều hành góp phần phục hồi kinh tế Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần |
Lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau các đợt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi của NHNN.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022).
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website ngân hàng sáng ngày 30/5 cho thấy, khoảng 2/3 trong số 34 ngân hàng được khảo sát đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống dưới 8%/năm. Tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện nay, đa số các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động mức tối đa 5%/năm theo quy định.
Nhiều ngân hàng tư nhân cũng giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5 – 4,8%/năm như LPBank, MB, TPBank... Riêng nhóm Big4 vẫn có lãi suất thấp nhất, dao động mức lãi suất 4,1 - 4,6%/năm cho hình thức gửi tại quầy.
Quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 từ đầu năm đến nay được đưa ra trên cơ sở NHNN bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thể hiện việc NHNN điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Sau Quyết định giảm lãi suất điều hành, cũng trong ngày 23/5/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023. Cụ thể, tập trung triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ; triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn NSNN đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, không để bất cứ một DN, HTX, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời. Tiếp đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
|
Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng các mức lãi suất điều hành mới (25/5), NHNN đã họp với các NHTMCP để triển khai việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Tại cuộc họp, các NHTM đồng thuận từ ngày 29/5 sẽ giảm thêm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chậm lại và có báo cáo NHNN về kết quả thực hiện.
Đánh giá về các động thái của NHNN, các chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành là động thái phù hợp trong bối cảnh sức khỏe kinh tế trong nước vẫn đang có dấu hiệu suy yếu rõ nét và cần sự hỗ trợ nhanh chóng, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp hơn. Từ đó, các DN có thể cải thiện kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc NHNN giảm một số lãi suất điều hành mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều kiện đủ ở đây có thể kể đến yếu tố bên ngoại từ sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của VN như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...; các yếu tố trong nước như các chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ; các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực BĐS và TPDN nhằm thúc đẩy thị trường và giải phóng dòng vốn…
Các chính sách này khi được triển khai đồng bộ và thực chất đến từng DN và người tiêu dùng, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Các NHTM đồng thuận sẽ giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn |