Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ổn định và bền vững
Áp lực lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức cao nhất của tháng 5 trong vòng 6 năm qua. Nếu xét về con số thì mức tăng này không phải quá cao, nhưng so với những năm gần đây thì lại có dấu hiệu không bình thường khi mà thông thường CPI chỉ tăng khá thấp trong tháng 5 của mấy năm gần đây. Mức tăng mạnh của CPI tháng 5 đã đẩy CPI bình quân của 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ vọt lên 3,01% từ mức 2,8% của 4 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy những cảnh báo về áp lực lạm phát cao hơn so với năm ngoái đang dần trở thành hiện thực.
Giá dầu tăng dẫn tới lạm phát chi phí đẩy |
Tuy nhiên, áp lực lạm phát chủ yếu do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao, cộng thêm việc điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Trong khi lạm phát cơ bản tháng 5 chỉ tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, NHNN đã làm rất tốt việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong vòng 5 năm trở lại đây. Dù tin vào điều hành CSTT của NHNN sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, nhưng vị chuyên gia này vẫn bày tỏ lo ngại áp lực lạm phát lớn gây khó khăn trong điều hành CSTT.
Khó khăn càng thêm lớn khi mà áp lực lạm phát lại đến từ các nguồn mà NHNN không thể kiểm soát được. Đơn cử, giá dầu thế giới tăng mạnh trong thời gian vừa qua lên mức cao nhất trong nhiều năm đang là mối lo ngại của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Giá dầu thế giới tăng đã khiến giá xăng trong nước cũng phải điều chỉnh tăng giá tới 2 lần với mức tăng khá lớn. Đó là liên Bộ Tài chính – Công thương đã cho phép sử dụng quỹ bình ổn, nếu không mức tăng còn lớn hơn nhiều.
Trong khi trong nước, một số mặt hàng thiết yếu như điện, y tế, giáo dục vẫn trong kế hoạch tiếp tục điều chỉnh tăng giá… Chưa kể tỷ giá trong nước cũng đang chịu áp lực tăng khá lớn do đồng USD tăng mạnh trên thị trường thế giới. Tỷ giá tăng sẽ tác động đến giá hàng nhập khẩu và cuối cùng là lạm phát.
Trong báo cáo kinh tế 5 tháng đầu năm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa hai kịch bản: nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8% so với cùng kỳ. Trường hợp giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.
Diễn biến trên đang đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với điều hành CSTT trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát ở mức 4% vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%. Những thách thức, theo TS. Võ Trí Thành, đó là việc cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ để làm sao người dân tin vào đồng nội tệ. Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, áp lực lạm phát tăng cao khiến mong muốn giảm thêm lãi suất của Chính phủ và NHNN càng thêm phần khó thực hiện.
Ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Cũng có ý kiến lạc quan hơn đối với diễn biến lạm phát đó là lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,37% trong vòng 12 tháng qua, mức biến động của giá thực phẩm được dự báo sẽ không quá lớn. Trên thế giới giá dầu cũng đã hạ nhiệt so với cách đây hơn 1 tuần. Đến ngày 8/6 giá dầu thô đã về mức hơn 65,6 USD/thùng giảm gần 7 USD/thùng. Với nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục tăng, đồng thời một số nước có trữ lượng dầu lớn cùng tăng sản lượng so với mức cam kết trước đây, khả năng giá dầu cũng sẽ khó tăng mạnh. Theo tính toán của vị chuyên gia này, nếu CPI tăng trung bình 0,45%/tháng trong thời gian còn lại của năm, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong tầm tay của Chính phủ.
Cho rằng, nhiều khả năng mục tiêu kiểm soát lạm phát vẫn đạt được, nhưng TS. Võ Trí Thành tỏ thận trọng về diễn biến khó lường của lạm phát trong thời gian còn lại của năm, nhất là trong điều hành CSTT phải luôn dè chừng lạm phát nhất là đặt trong bối cảnh NHTW các nước chuẩn bị thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất, việc điều hành CSTT sẽ khó thiên về mở rộng tín dụng cũng như mở rộng cung tiền.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng có chung quan điểm khi đánh giá, cần phải kiểm soát chặt cung tín dụng, không nhất thiết phải đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% như đặt ra. Theo vị chuyên gia này, trong năm nay, NHNN điều hành CSTT hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trong ổn định và bền vững theo hướng thắt chặt hơn chấp nhận tín dụng tăng trưởng thấp với mặt bằng lãi suất có thể cao hơn, giảm cung tiền kiểm soát dòng vốn tập trung chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh.
Sự cẩn trọng trong điều hành CSTT theo TS. Võ Trí Thành không bao giờ là “hoang phí” bởi những bất ổn nền kinh tế chính trị toàn cầu ngày càng nhanh và mạnh. Tất cả những điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế của Việt Nam nói riêng khi nước ta có độ mở lớn nhất là lĩnh vực tài chính NH chịu ảnh hưởng rất mạnh. Đối với vị chuyên gia này, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành CSTT của NHNN thông qua việc bám sát diễn biến lạm phát điều chỉnh chính sách lãi suất. Quan trọng nhất là phải giữ lạm phát cơ bản hay nói cách khác là giữ cung tiền tăng ở mức hợp lý.
Các chuyên gia đồng tình, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP không thể chỉ mãi dựa vào vốn ngân hàng và nâng tổng phương tiện thanh toán hàng năm bởi điều đó sẽ gây khó khăn trong điều hành CSTT nhất là khi thị trường có biến nhất là liên quan đến lạm phát.
Mới đây trả lời báo giới TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng đưa ra con số quan ngại khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư vốn ngân hàng với việc dư nợ tín dụng lên tới 130% GDP. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay là 17-18%/năm, trong khi tăng trưởng chỉ khoảng 6-7% thì ước tính đến năm 2020, dư nợ tín dụng đạt trên 150-160% GDP, cộng với nợ Chính phủ chiếm 50% GDP, tổng cộng là 200% GDP. Đây là “núi nợ” khá lớn nên dư địa tăng trưởng dựa vào yếu tố lượng sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần phải dựa vào các nhân tố khác tạo động lực để phát triển thay vì chỉ tập trung vào kênh vốn ngân hàng như hiện nay.