Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Thêm cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp phát triển Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 7148/BKHĐT-KTNN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hội, hiệp hội ngành nghề liên quan về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn vốn ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các dự án do phụ nữ làm chủ |
Dự thảo Nghị định được xây dựng với quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn. Sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Hình thức hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp được lựa chọn căn cứ các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Ngành, nghề khuyến khích hỗ trợ thuộc “ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp” theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai chính sách.
Về chính sách hỗ trợ, trên cơ sở rà soát 7 hình thức hỗ trợ đầu tư tại quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020, tại Dự thảo Nghị định quy định 2 hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: Hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án, vùng nguyên liệu và Hỗ trợ tín dụng.
Ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các dự án ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các dự án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gia súc tối đa 10 tỷ đồng/dự án
Dự thảo nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Có dự án chăn nuôi gia súc (bò, lợn) để làm giống, lấy sữa hoặc lấy thịt tại vùng nông thôn;
Dự án có quy mô chăn nuôi hàng năm đáp ứng một trong các điều kiện theo thiết kế tối thiểu: 100 con bò thịt; hoặc 30 con bò sữa, bò giống; hoặc 500 con lợn thịt; hoặc 100 con lợn giống. Trường hợp chăn nuôi kết hợp hai loại trở lên, quy mô tối thiểu mỗi loại bằng 50% quy mô nêu trên.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ đầu tư nuôi trồng thủy sản tới 15 tỷ đồng/dự án
Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Có dự án nuôi trồng thủy sản tại vùng nông thôn; Quy mô diện tích nuôi thủy sản tối thiểu từ 5 ha trở lên.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không quá 10 tỷ đồng/dự án
Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc hoặc gia cầm tập trung tại vùng nông thôn; Công suất giết mổ một ngày/đêm của dự án theo thiết kế phải đạt tối thiểu 200 con gia súc; hoặc 2.000 con gia cầm. Trường hợp kết hợp hai loại, quy mô tối thiểu mỗi loại bằng 50% quy mô nêu trên.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.