Hóa giải thách thức để “về đích” giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm Giải pháp kinh tế - xã hội 2024-2025: Cần giải ngân nhanh vốn đầu tư công |
Dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP. |
Khác biệt trên cùng một cơ chế
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, đầu tư công được coi là “đòn bẩy” để vực dậy nền kinh tế, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được nhận định là động lực hàng đầu cho tăng trưởng, do đó công tác giải ngân nguồn vốn này tiếp tục được cả hệ thống chính trị quan tâm. Dòng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế trong thời gian qua góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, tổng nguồn kế hoạch giao năm 2024 là 806.300,8 tỷ đồng; tổng số vốn đã phân bổ là 735.412,2 tỷ đồng, đạt 108,14% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; vốn ngân sách trung ương cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 118.993,1 tỷ đồng, chiếm khoảng 48,03% tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024; tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 14.343,5 tỷ đồng, chiếm 2,11% kế hoạch được giao.
Nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 10/2024, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, Bộ Giao thông vận tải dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đến nay cơ bản đáp ứng kế hoạch, yêu cầu đề ra, đạt 65,3% vốn kế hoạch được giao. Các dự án được triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ, một số dự án đã đẩy nhanh được tiến độ kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất; hoàn thành 2/3 dự án đầu tư do Bộ thực hiện và 46/46 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai do các địa phương thực hiện đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ của chương trình.
Bên cạnh những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (cao hơn cả mức bình quân chung của cả nước), vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Điều đáng nói ở đây là cùng một cơ chế chính sách, cùng các khó khăn, vướng mắc như nhau, nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt; có bộ, ngành, địa phương giải ngân chưa tốt, ông Phạm Thu Phong chia sẻ.
Đại diện Vụ Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp. Nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu,...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Toàn cảnh tọa đàm |
Sớm hóa giải những thách thức
Từ quá trình thực thi giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Anh Dũng nhận thấy, hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng đã dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng thường trải qua thời gian dài, các pháp luật có điều chỉnh, việc chuyển tiếp qua các thời kỳ gây nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật; quy định về trình tự, thủ tục, quy trình xây dựng, giao/điều chỉnh kế hoạch trung hạn mất nhiều thời gian (thường mất 2 năm) để phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch, phê duyệt dự án, chỉ còn 3 năm để thực hiện đầu tư, dẫn đến chậm triển khai dự án. Bên cạnh đó, với một việc hay một vấn đề nhưng phải “soi chiếu” nhiều luật, nhiều quy trình, thủ tục dẫn tới khi thực hiện còn lúng túng, tâm lý “sợ sai” vẫn còn ảnh hưởng rất lớn khi giải quyết công việc.
Ngoài ra, khó khăn giải ngân vốn đầu tư công còn đến từ những đặc thù riêng của từng ngành. Đại diện Bộ Giao thông vận tải thông tin, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án giao thông vận tải; nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án. Trong khi đó, thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo; đặc biệt, thời gian tới vào mùa mưa lũ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, vướng mắc, với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024 như: công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, Chương trình mục tiêu quốc gia gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao. Kho bạc Nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. (iv) Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương, qua đó trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.