Hoàn thiện hành lang pháp lý để các trung gian thanh toán phát triển lành mạnh
Các tổ chức trung gian thanh toán xử lý 7-8 tỷ giao dịch/năm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhận định, thời gian vừa qua các tổ chức trung gian thanh toán đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo NHNN ngày càng quan tâm tới sự hiện diện của các tổ chức này. Người dân đã dần quen với sự hiện diện của các trung gian thanh toán qua quảng cáo, thanh toán các dịch vụ hàng ngày. Đặc biệt, bên cạnh các ngân hàng, thanh toán dịch vụ công tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được các tổ chức này hỗ trợ rất tốt. Đây là một điển hình về vai trò ngày càng tăng của các tổ chức trung gian thanh toán đối với hoạt động hành chính.
Về mức độ tăng trưởng, tại giai đoạn 2008 - 2010, mới chỉ có 8 tổ chức tham gia thí điểm thì đến hết năm 2023, tại Việt Nam đã ghi nhận 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Các trung gian thanh toán xử lý 7-8 tỷ giao dịch/năm.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Đưa ra thêm thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hiện nay các tổ chức trung gian thanh toán hầu hết cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản như ví điện tử, thu chi hộ, dịch vụ cổng thanh toán... Trong đó sự tăng trưởng của ví điện tử rất đáng chú ý. Năm 2023 ghi nhận tổng số lượng giao dịch ước đạt xấp xỉ 4,09 tỷ giao dịch với giá trị giao dịch đạt khoảng 1,90 triệu tỷ đồng tăng 47,15% về số lượng và 41,78% về giá trị so với năm 2022. Bình quân 1 ví điện tử đang hoạt động phát sinh khoảng 10 giao dịch/tháng, cùng giao dịch là xấp xỉ 4,80 triệu đồng/tháng.
Dù nhìn nhận những kết quả tích cực và khẳng định vai trò của các tổ chức trung gian thanh toán nhưng lãnh đạo NHNN cũng chỉ ra những tồn tại liên quan. Điển hình là vấn đề nở rộ các hình thức lừa đảo, mất an toàn thông tin… trên ví điện tử. Ngoài ra, nhiều các vấn đề khác dược Vụ trưởng Vụ Thanh toán chỉ ra như công tác quản trị, quản lý rủi ro chưa đầy đủ; nhiều tổ chức chưa tuân thủ quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn của NHNN…
Ngăn ngừa lừa đảo gian lận trung gian thanh toán
Để khắc phục những tồn tại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn đưa ra các định hướng giải pháp để các tổ chức trung gian thanh toán phát triển lành mạnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về phía NHNN, ngay trong đầu năm 2024 sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các Thông tư thay thế cho Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 20/2022/TT-NHNN, Thông tư 46/2014/TT-NHNN. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hoạt động của các trung gian thanh toán.
NHNN cũng sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức để nghiêm túc chấp hành các quy định. Phối hợp cùng Cục An ninh kinh tế A04, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) kiểm tra giải pháp eKYC từ các tổ chức.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, cơ quan quản lý sẽ triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán” (Hệ thống SIMO) nhằm từng bước phát triển kho dữ liệu tập trung thông tin về các tài khoản thanh toán, ví điện tử có dấu hiệu nghi ngờ hoặc liên quan đến giao dịch gian lận, bất hợp pháp.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán đề xuất các giải pháp về hoạt động trung gian thanh toán |
NHNN sẽ sớm hoàn thiện và đẩy mạnh khai thác “Hệ thống thu thập thông tin trực tuyến” (Hệ thống ODCS) để kết nối, truy vấn, thu thập, giám sát số dư tài khoản đảm bảo thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh thị trường thanh toán cần đóng góp của các tổ chức trung gian thanh toán. Trên cơ sở các nội dung được trình bày tại hội nghị, Phó Thống đốc đề nghị cần sớm đưa ra kế hoạch thực hiện và khắc phục những tồn tại. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề thiếu nguồn nhân lực tại nhiều tổ chức. Việc tuyển dụng nhân sự ngoài mạnh về công nghệ còn cần hiểu biết cả về nghiệp vụ ngân hàng.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị cần cân nhắc đến vấn đề tối ưu kinh phí hoạt động, tránh lãng phí... Đồng thời, cần có chiến lược thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.