Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD và xử lý nợ xấu
Luật các TCTD (sửa đổi): Cần xem xét thông qua sau hai kỳ họp để tránh khoảng trống pháp lý Dự thảo Luật các TCTD nhận nhiều ý kiến bổ sung |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Luật các TCTD số 47 đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010 và Luật số 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được thông qua năm 2017, cùng với các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các văn bản thực hiện được 12 năm đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như góp phần lành mạnh hóa các hoạt động của các TCTD, tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của các TCTD.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật các TCTD cũng còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá Luật các TCTD hiện hành, tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5/2023 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Luật các TCTD sửa đổi.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thực hiện quy trình quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, chỉnh lý, giải trình, tiếp thu bước đầu dự thảo Luật các TCTD sửa đổi.
Đến nay cũng còn một số vấn đề lớn, vấn đề phức tạp nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội, cụ thể là về vấn đề sở hữu chéo, vấn đề thao túng chi phối TCTD, về quản trị, điều hành hoạt động, chế độ tài chính của TCTD. Đặc biệt là vấn đề can thiệp sớm và vấn đề kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD đang được Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đã phân tích làm rõ hơn các mong muốn từ phía cơ quan soạn thảo khi thiết kế xây dựng luật các TCTD. Nhắc lại mục tiêu hội thảo, trong đó các ý kiến đề cập đến nhiều nhất đến câu chuyện ngăn ngừa và chống thao túng trong hoạt động ngân hàng, Phó thống đốc cho biết, đây là mục tiêu xuyên suốt và rất quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, việc chúng ta mong muốn xử lý được hoàn toàn và chấm dứt tình trạng này là rất khó nên Ban soạn thảo đặt mục tiêu là hạn chế về mức tối đa.
Phó Thống đốc khẳng định, không có mô hình quốc gia nào mà phù hợp hoàn toàn với Việt Nam nên khó có thể sao chép được một mô hình nào đó vào vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận của NHNN là nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra giám sát để ngăn ngừa kiểm soát rủi ro của hệ thống TCTD.
“Cách tiếp cận của Ngân hàng Nhà nước đối sửa luật lần này để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhu cầu đầu tiên. Chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý hợp lý, phù hợp để ngăn ngừa cũng như xử lý được những rủi ro mang tính hệ thống, rủi ro của từng TCTD…”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.