Hội nghị phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền và yêu cầu tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 15/5/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện sau đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022.
Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và 5.000 đại biểu đến từ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các đơn vị trung gian thanh toán, công ty chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, công ty luật, công chứng…
Ông Phạm Gia Bảo – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền phát biểu tại Hội nghị |
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ Cục Phòng, chống rửa tiền NHNN đã trình bày các kết quả chính được phát hiện trong quá trình đánh giá rủi ro về rửa tiền giai đoạn 2018-2022 bao gồm rủi ro rửa tiền của quốc gia và của từng ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Diễn giả đến từ Cục An ninh nội địa - Bộ Công an chia sẻ về kết quả chính trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ khủng bố. Hoạt động đánh giá và chia sẻ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố là nội dung quan trọng và là một trong những yêu cầu nền tảng của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) nhất là khi Việt Nam đang chịu sự rà soát của APG/FATF.
Thượng tá Đàm Văn Minh – Đại diện Cục An ninh nội địa, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị |
Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành, đối tượng báo cáo hiểu được rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc gia và của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố quốc gia, ngành và của tổ chức mình.