Hồi phục trong phiên chiều, VN-Index tăng nhẹ 2,71 điểm
VN-Index hồi phục và tăng điểm nhẹ cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn đang được đổ vào thị trường |
Ở nhóm vốn hóa lớn, BCM, GVR cũng tăng 2-3% theo đà của nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp. Từ thời điểm giữa phiên sáng, lực chốt lời xuất hiện với khối lượng bán ra lớn đột biến, nhằm vào hầu hết các nhóm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thuộc Vn30 như VIC, SSI, VNM khiến chỉ số sụt giảm và thấp hơn tham chiếu gần 4 điểm ở đầu phiên chiều.
Dòng tiền chủ động quay trở lại tham gia tích cực vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán khiến nhiều mã tăng điểm ấn tượng như VCB, VPB, PVD, PVT, VDS, VCI… kéo chỉ số tăng trở lại và đóng cửa tại 1.204,43 điểm, cao hơn 2,71 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản trên HoSE tăng lên 21.996 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 205,98 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, VN-Index hồi phục và tăng điểm nhẹ cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn đang được đổ vào thị trường, bất chấp xu hướng bán ròng của khối ngoại. Với việc MA5 vẫn nằm dưới MA10 và MA20 đang hướng xuống, thị trường khó có thể hình thành xu hướng tăng mà chỉ có thể đi ngang quanh vùng 1.210-1.220 điểm.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, áp lực bán gia tăng quanh khu vực 1.210 điểm đã khiến cho VN-Index có phần hụt hơi và kết phiên chỉ tăng gần 3 điểm.
Tính đến hết phiên giao dịch, tuy tổng thanh khoản toàn thị trường được cải thiện trong đó thanh khoản mua chủ động chiếm đến hơn 60% nhưng số mã cổ phiếu tăng gia không hoàn toàn áp đảo số mã cổ phiếu giảm gia cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư tại ngưỡng điểm tâm lý.
Theo thống kê, nhóm cổ phiếu Bán lẻ và Dầu khí là 2 nhóm ngành thu hút được lực cầu nổi bật nhất với mức tăng lần lượt là 1,6% và 1%. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đồng tình với sự thận trọng của khối nội khi bán ròng xuyên suốt phiên với tổng thanh khoản 197 tỷ, tập trung bán POW, SSI, STB.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho biết VN-Index kết phiên tạo nến Doji thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư tại vùng điểm tâm lý quanh 1.210 điểm. Các chỉ báo ở cả 2 khung đồ thị ngày và giờ đều dần bẻ ngang cho thấy lực cầu đã dần suy yếu và không còn mạnh mẽ như các phiên trước đó. Với diễn biến hiện tại, xác suất áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh trở lại và VN-Index đảo chiều kiểm tra lại vùng đáy mới hình thành là cần được tính đến.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) thì ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 29/03/2023 tương ứng với diễn biến giảm giá. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì diễn biễn hồi phục và tăng giá trong bối cảnh chỉ số vẫn đang ổn định khả quan trên ngưỡng hỗ trợ trung hạn 1.177 điểm đồng thời đóng cửa tăng vượt ngưỡng 1.200 điểm.