Hơn 13 triệu khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học
TPBank hoàn tất áp dụng xác thực khuôn mặt khi giao dịch Xác thực sinh trắc học: Ngăn chặn rủi ro lừa đảo, bảo vệ khách hàng khi giao dịch Bảo vệ khách hàng, ngăn ngừa rủi ro thanh toán |
Bắt đầu từ 1/7/2024, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.
Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.
Để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1/7, thời gian qua các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống; đồng thời liên tục truyền thông, hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán, đảm bảo giao dịch được thông suốt. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên thứ Bảy, Chủ nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch, nỗ lực hỗ trợ khách hàng.
Nhiều ngân hàng làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, mở cửa ban đêm để hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học theo quy định |
Nhiều người dân cho biết, việc cập nhật xác thực theo quy định mới được thao tác rất nhanh, chỉ cần làm online trong vòng 3-5 phút. Điều này giúp họ an tâm hơn khi thực hiện các giao dịch thanh toán số vì đã thêm một lớp bảo vệ kiên cố. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại quy định trên ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định việc yêu cầu xác thực đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch. Theo thống kê của NHNN, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%. Có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN nhận định, để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các TCTD, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. Tuy nhiên, với trách nhiệm cộng đồng, xã hội, các TCTD đang rất nỗ lực để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng.
Ở góc độ TCTD, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc xác thực khuôn mặt là giải pháp rất triệt để, sẽ giải quyết được nhiều rủi ro phát sinh trong thời gian qua. Còn ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 2345 mang lại những giá trị tích cực cho cả ngân hàng và khách hàng, với hệ thống sẵn có, TPBank đã nhanh chóng dồn lực thực hiện theo chuẩn của Quyết định để đảm bảo tính an toàn của tài khoản khách hàng ở mức cao hơn nhanh nhất có thể.
Quyết định số 2345 được coi là một “cú hích” thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.
Giới chuyên môn nhận định việc yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín, thu hút thêm khách hàng.