Hơn 70% cơ sở giết mổ không được phép hoạt động
Đà Nẵng sẽ xây khu giết mổ tập trung tại huyện Hòa Vang Kiểm tra, xử lý các cơ sở gia súc gia cầm giết mổ thủ công TP.HCM: Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp chỉ đạt 60% công suất |
Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giết mổ động vật |
Ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.
Cơ sở giết mổ tập trung chủ yếu là các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư bài bản với kinh phí rất lớn, giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, có quy trình giết mổ, chế biến hiện đại và có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ môi trường.
Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít bởi các cơ sở giết mổ này có giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Cả nước hiện còn 24. 654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, nhưng chỉ có 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số còn lại 17.292 cơ sở (chiếm 70,1 %) không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Nhiều địa phương có hơn 1.000 CSGM cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương... cho dù các nơi này đều không phải các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không phải khó khăn. Tuy nhiên, công tác kiểm soát giết mổ chưa có nhiều chuyển biến tích cực do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, ATTP tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP gặp nhiều khó khăn".
Hầu hết các địa phương khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; hoặc đã có cơ sở giết mổ tập trung nhưng vẫn để tồn tại song song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dẫn đến cơ sở giết mổ tập trung khó cạnh tranh và hoạt động không hết công suất.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, phải thường xuyên khắc phục sửa chữa, nâng cấp, việc xử lý chất thải tốn kém, đầu tư mang tính rủi ro cao.
"Nhiều huyện, xã, thị trấn có nhu cầu thịt gia súc, gia cầm thấp, số lượng gia súc đưa vào cơ sở giết mổ tập trung ít, vì vậy không thu hút được nhà đầu tư do nguồn thu không đủ duy trì hoạt động và cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung", bà Thủy chia sẻ.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động giết mổ cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền địa phương, mức độ tích cực vào cuộc của Chính quyền địa phương có vai trò quyết định trong công tác chỉ đạo quản lý giết mổ động vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sớm tổ chức rà soát, xây dựng mạng lƣới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng địa phương.
Trong trường hợp khó khăn trong việc kêu gọi xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, sau khi hình thành và đi vào hoạt động, chỉ đạo các ban, sở, ngành phối hợp với UBND các cấp chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm ATTP.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng hỗ trợ các loại hình giết mổ được chính quyền cấp phép hoạt động và hỗ trợ ngay khi thực hiện đầu tư để thu hút nhà đầu tư.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, an toàn thực phẩm rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt an toàn thực phẩm đối với sức khỏe, chiều cao, trí tuệ của con người. Chính vì thế giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XIV là giám sát tối cao về sức khỏe, sau đó có Nghị quyết 43.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc một cách tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ. Điển hình Hà Nội đang có nhiều chính sách thu hút như về hỗ trợ hạ tầng, ưu tiên về đất đai để có cơ sở giết mổ tập trung.