HSBC giữ dự báo GDP ở mức 6,5% cho cả năm 2024 và 2025
Kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm nay. Tăng trưởng GDP được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho “mặt trận” trong nước vẫn phải cần thêm thời gian trả lời.
Một mặt, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn của năm ngoái. Chỉ số PMI đã ghi nhận 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng ghi nhận phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày. Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, thêm vào đó là các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó, tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Điều đáng khích lệ là Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024 trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản. Mặc dù mới được thông qua chưa lâu, Luật Đất đai sửa đổi dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này, trong đó, số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng.
“Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Tựu trung lại, chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%”, báo cáo nhận định.
Về lạm phát, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong sáu tháng cuối năm khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do năng lượng giảm dần. Một chu kỳ nới lỏng của Fed trong tầm dự đoán cũng sẽ giúp tháo gỡ bớt một số áp lực về tỷ giá. "Xét tất cả những yếu tố nêu trên, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5%. Chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3,0%", báo cáo nêu.
Các thách thức, rủi ro
Siêu bão Yagi đổ bộ ngày 7/9/2024 đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến Việt Nam. Mặc dù các nỗ lực khắc phục và phục hồi hoạt động đang được tiến hành, hậu quả để lại sau bão được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần nữa. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023.
Bên cạnh giá năng lượng thế giới, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động đột ngột của giá thực phẩm. Chẳng hạn, giá thịt lợn đã tăng vọt khi nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, áp lực lên một số mặt hàng nông sản được dự báo sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña mang lại một số điều kiện thuận lợi cho mùa màng ở Đông Nam Á.
Vấn đề quan trọng khác là liệu nhu cầu đối với hàng hóa cải thiện thêm sẽ đóng vai trò đáng kể đối với mức độ phục hồi của Việt Nam. Do vậy, cần theo dõi sát sao xu hướng và tốc độ chi tiêu tiêu dùng, nhất là ở các thị trường phương Tây.
Cùng với đó, dẫn đầu hoạt động kinh tế trong nước vừa qua là các lĩnh vực liên quan đến du lịch. Việt Nam đã đón trên 11 triệu khách quốc tế tính đến thời điểm hiện tại. Đây là nguyên nhân giúp níu giữ một số cấu phần của bán lẻ, như doanh thu du lịch tăng 26% trong tám tháng đầu năm, so với mức tăng trưởng 8,5% của tổng tăng trưởng bán lẻ… Mặc dù sự cải thiện trên phạm vi rộng hơn được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong quý IV/2024, triển vọng du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện hơn nữa.
Ngoài ra, khai thác các động lực từ những lĩnh vực tăng trưởng mới. Theo báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN trong năm ngoái. Kết quả này được thúc đẩy bởi tập người tiêu dùng hiểu biết về mạng internet đang gia tăng. Chính phủ và các doanh nghiệp đang thúc đẩy chuyển đổi số. Chẳng hạn, vẫn còn dư địa để tăng lượng sử dụng các nền tảng trực tuyến và chữ ký số khi xử lý thủ tục giấy tờ…
|