IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,1% trong năm 2024
Báo cáo Tham vấn Điều IV 2024 với Việt Nam |
Tiếp tục đà phục hồi nhưng thách thức còn lớn
Vào ngày 30/8/2024, Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hoàn thành Đợt Tham vấn Điều IV 2024 với Việt Nam, qua đó đưa ra cái nhìn toàn diện về tình hình và triển vọng kinh tế vĩ mô, trong đó ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch.
Trong năm 2023 đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 5%. Nguyên nhân chính đến từ các yếu tố như sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu, căng thẳng tài chính và những xáo trộn trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhờ các chính sách quyết liệt từ Chính phủ, quá trình phục hồi đã bắt đầu từ cuối năm 2023, với sự đóng góp của các ngành xuất khẩu, du lịch và các biện pháp hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp.
Dự báo một số chỉ số chính |
Trong năm 2024, nền kinh tế dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,1%, chủ yếu nhờ cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng phù hợp. Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý rằng sự phục hồi của thị trường bất động sản vẫn sẽ diễn ra chậm, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ mức nợ cao, khiến tăng trưởng cầu trong nước chỉ hồi phục dần dần.
Năm 2024 chứng kiến lạm phát chung gia tăng, chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng, trong khi lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, IMF dự báo lạm phát cả năm sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% đặt ra trong năm nay.
IMF cảnh báo những rủi ro theo hướng tiêu cực vẫn còn cao. Trong đó, xuất khẩu - động lực tăng trưởng quan trọng - có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, với điều kiện tiền tệ đã nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, điều này có thể dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.
Ngoài ra, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, nguy cơ gây suy giảm sự ổn định tài chính.
Ban Giám Đốc Điều Hành IMF đánh giá cao các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng để duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên lưu ý rằng rủi ro vẫn ở mức cao và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn. Việc tiếp tục tăng cường năng lực sẽ rất quan trọng để hỗ trợ các cải cách.
Cải cách cơ cấu để tăng trưởng bền vững, xanh và toàn diện
Trong khi dư địa tài khóa của Việt Nam còn khá lớn, nhưng không gian cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã trở nên hạn hẹp. Do đó, IMF khuyến nghị chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế, đặc biệt là qua việc đẩy nhanh đầu tư công, nhấn mạnh đây là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện tại, song cần phải giải quyết các nút thắt trong quá trình thực hiện.
Mối quan hệ giữa các động lực tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng |
Ban Giám Đốc Điều Hành IMF cũng cho rằng, các chính sách mở rộng lưới an sinh xã hội cũng là một điểm sáng trong chiến lược kinh tế của Việt Nam. IMF đánh giá cao kế hoạch của Chính phủ trong việc đảm bảo hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời củng cố khuôn khổ tài khóa để duy trì sự ổn định trong trung hạn.
Về mặt chính sách tiền tệ, IMF ghi nhận các nỗ lực trong việc kiểm soát lạm phát, song nhấn mạnh rằng chính sách này cần phải thận trọng hơn trong bối cảnh còn nhiều thách thức và dư địa chính sách hạn hẹp. Ban Giám Đốc Điều Hành IMF hoan nghênh các bước tiến tới tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và khuyến nghị tiếp tục có tiến triển trong lĩnh vực này, cùng với việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ.
IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính bằng cách củng cố các đệm vốn, xử lý dần các khoản nợ xấu và cải thiện quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Việc nâng cao khung pháp lý để giải quyết khủng hoảng và quản lý thanh khoản khẩn cấp cũng là yếu tố cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính. Ban Giám Đốc Điều Hành IMF hoan nghênh việc sửa đổi Luật Các Tổ chức Tín dụng, và cho rằng cần tiếp tục các nỗ lực tăng cường quản lý và giám sát các ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ban Giám Đốc Điều Hành IMF ghi nhận việc các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời khuyến nghị cần tiếp tục có những bước đi quyết đoán để xử lý các rủi ro liên quan đến các thị trường này, gồm củng cố khuôn khổ pháp lý về mất khả năng thanh toán, củng cố thể chế và tăng tính minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… qua đó giảm thiểu các rủi ro trong dài hạn.
IMF khuyến khích Việt Nam tiếp tục theo đuổi các cải cách cơ cấu và cải cách các chính sách về biến đổi khí hậu để đạt được tăng trưởng bền vững, xanh và toàn diện. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập trung bình cao sẽ đòi hỏi các nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực.
Ban Giám Đốc Điều Hành IMF hoan nghênh Quy hoạch Điện VIII gần đây và kế hoạch xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam và thúc đẩy an ninh năng lượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chiến lược và xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh. IMF cũng cho rằng, việc tiến hành đánh giá quản lý đầu tư công về khí hậu sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam trong việc hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.