In lậu, làm sách giả ngày càng tinh vi
Nhằm lấy ý kiến xây dựng bộ nhận diện “Các hành vi in lậu, gian lận thương mại”, sáng ngày 28/6, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức hội thảo “Nhận diện các hành vi in lậu làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành) phát biểu đề dẫn hội thảo |
Nạn sách lậu hoành hành
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, nhiều nhà xuất bản trên cả nước đã và đang “kêu cứu” vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, thực trạng này diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp.
Sách lậu không chỉ xuất hiện dưới hình thức in ấn mà còn được phát tán rộng rãi trên không gian mạng. Sách giả được bán trên các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, bà Vũ Thị Hồng Hạnh trao đổi rằng, các đối tượng in lậu sách hiện nay có nhiều chiêu trò để “cắt đuôi” sự theo dõi của cơ quan chức năng. Chúng thuê nhiều đơn vị gia công nhỏ lẻ, riêng biệt để in sách. Các hoạt động thường tiến hành vào ban đêm và tại các vùng sâu, vùng xa, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở các thành phố lớn.
Theo các đơn vị làm sách, nạn sách giả hiện nay đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu hằng năm. Đại diện công ty Alphabook chia sẻ, trong số 1.000 đầu sách đã phát hành có tới 30% sách bị in lậu. Một số cuốn sách mới xuất bản khoảng 2-3 tuần, chưa kịp tái bản, lập tức bị làm lậu. Còn từ phía công ty sách Thái Hà, số lượng sách bán chạy đã sụt giảm 40% so với thời điểm trước năm 2020, 60% sách của công ty đã bị lậu và trôi nổi trên thị trường.
“Về lâu về dài, tình trạng sách giả sẽ khiến các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị kinh doanh mất động lực tìm kiếm, khai thác bản thảo chất lượng, không thể tái đầu tư”, TS. Hoàng Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thư ký biên tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ.
Công nghệ là chìa khóa chống hàng giả
Trước tình hình đó, TS. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, NXB Giáo dục Việt Nam đang sử dụng con tem chống giả áp dụng công nghệ 4.0. Cụ thể, con tem đó mang một loại mã riêng, khi độc giả mua sách về nhập mã vào website của nhà xuất bản sẽ nhận được thông tin xuất xứ của cuốn sách.
TS. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ về nạn sách giáo khoa giả hiện nay |
“Mặc dù đã có những cải tiến trong tem chống hàng giả, các đối tượng đã có nhiều thủ đoạn tinh vi để sao chép đoạn mã này. Chúng mua một cuốn sách thật về, lấy một mã trên tem để dán vào toàn bộ sách giả”, TS. Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại hội thảo. Vì vậy, để ngăn chặn trường hợp này, người dùng có thể kiểm tra mã của sách. Sau khi nhập, nếu website trả kết quả “Mã này đã có người sử dụng”, tức cuốn sách đó là hàng giả.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng hình thức tem chống giả của NXB Giáo dục Việt Nam cần được nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn để các đơn vị khác có thể áp dụng. Đại diện Cục Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời một bộ nhận diện “Các hành vi in lậu, gian lận thương mại”. Đây sẽ là công cụ giúp cho người làm sách, độc giả tham gia và công cuộc phòng chống sách lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực in, phát hành và xuất bản.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng tiếp thu các ý kiến về việc hoàn thiện đường dây nóng ngăn chặn sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền. Ông Hoàng Ngọc Bảo cho biết rằng các đơn vị có thể báo cáo lên phòng Pháp chế của Cục để được hướng dẫn về quy trình khiếu nại và báo cáo phát hiện vi phạm bản quyền.
Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng số 1, với khoảng 15,5 triệu người, xem bất hợp pháp. |